Người sử dụng:
 
  Thoát

Tên đề tài  
Nghiên cứu lịch sử phát triển ngành Du lịch và những bài học kinh nghiệm
Đơn vị chủ trì Văn phòng
Năm thực hiện 1997
Chủ nhiệm đề tài PTS. Doãn Quang Thiện

Tóm tắt nội dung

Sự cần thiết của việc nghiên cứu:

Để ghi lại quá trình hình thành và phát triển của mình, phần lớn các ngành đều có những nghiên cứu lịch sử ngành. Ngành Du lịch Việt Nam ra đời gần 4 thập kỷ gắn với các giai đoạn phát triển của đất nước, trải qua các bước thăng trầm nhưng chưa có bất cứ một nghiên cứu nào về sự hình thành và phát triển của ngành. Số cán bộ nắm được lịch sử ngành ngày một ít đi. Việc đầu tư cho việc nghiên cứu lịch sử phát triển ngành Du lịch lúc này là rất bức xúc, nếu không muốn nói là đã chậm. Đề tài “Nghiên cứu lịch sử phát triển ngành Du lịch Việt Nam và những bài học kinh nghiệm” được xuất phát từ bối cảnh đó.

 

Mục tiêu và phạm vi nghiên cứu:

Cố gắng ghi chép lại một cách trung thực, khách quan quá trình hình thành và phát triển 40 năm của ngành Du lịch; Rút ra bài học kinh nghiệm của từng giai đoạn phát triển. 

           

Nội dung của báo cáo tổng hợp đề tài nghiên cứu:

Đề tài tập trung vào 3 nội dung cơ bản:

 

1) Nghiên cứu Quá trình hình thành và đặc điểm hoạt động của ngành Du lịch Việt Nam:

- Sự ra đời của ngành Du lịch Việt Nam, bao gồm: Bối cảnh lịch sử; Thời kỳ xây dựng cơ sở vật chất ban đầu cho ngành Du lịch trong giai đoạn 1960-1970; Giai đoạn củng cố tổ chức và mở rộng các hoạt động du lịch trong cả nước chuẩn bị ra đời Tổng cục Du lịch.

- Giai đoạn hình thành Tổng cục Du lịch là cơ quan quản lý Nhà nước về Du lịch

- Phát triển du lịch trong nền kinh tế nhiều thành phần (Tổng cục Du lịch được tổ chức lại; Phát huy vai trò quản lý nhà nước về du lịch; Đánh giá tổng quát bước phát triển của ngành 1992 – 2000)

- Đánh giá tổng quát kinh nghiệm và bài học của 38 năm phát triển du lịch Việt Nam.

 

2) Biên niên tóm tắt lịch sử ngành Du lịch Việt Nam từ trước năm 1960 đến năm 1998. 

- Được thực hiện trong một thời gian ngắn, tài liệu sưu tầm còn thiếu. Tuy nhiên biên niên tóm tắt cũng đã phản ảnh các sự kiện trong quá trình hoạt động của ngành một cách tương đối đầy đủ.

 

3) Một số kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo Tổng cục Du lịch:

- Lãnh đạo Tổng cục xem xét và cho ý kiến để chỉnh lý bổ sung tiến tới in để lưu hành nội bộ toàn ngành và làm tài liệu giảng dạy lịch sử ngành cho sinh viên, học sinh các trường du lịch. Sau đó có thể xuất bản thành sách giới thiệu ngành Du lịch với xã hội.

- Đề nghị Tổng cục nghiên cứu lập đề án trình Nhà nước ban hành Quy chế thưởng Huy chương "Vì sự nghiệp phát triển du lịch Việt Nam".

- Nghiên cứu thành lập Ban liên lạc hưu trí toàn ngành Du lịch để tiếp nhận thông tin của Tổng cục về những thành tựu của ngành đạt được trong từng thời kỳ.

 

Kết quả nổi bật của đề tài nghiên cứu:

Thông qua việc khái quát chặng đường gần 40 năm hình thành và phát triển của Du lịch Việt Nam, đề tài nghiên cứu đã đúc rút được 5 bài học kinh nghiệm:

 

-           (1). Là ngành kinh tế dịch vụ hoạt động trong lĩnh vực phục vụ nhu cầu cao của xã hội, ngành Du lịch phải luôn bám sát đường lối của Đảng và Nhà nước để xác định chức năng nhiệm vụ của ngành.

 

-           (2). Hoạt động du lịch mang tính thời đại. Phát triển du lịch thực chất là tiếp cận với nền sản xuất đại công nghiệp, những phải bảo tồn và phát huy truyền thống mới phát triển bền vững. 

 

-           (3). Hoạt động du lịch luôn mang tính kế thừa. Những điều chưa làm được hôm qua, kể cả thất bại, đều cho ta bài học để hướng về tương lai bắt nhịp với thế giới. Tính thừa kế của hoạt động du lịch không chỉ thể hiện ở việc thừa kế và phát huy bản sắc dân tộc, thừa kế về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, mà còn thể hiện cao nhất trong thừa kế về đội ngũ nhân lực, tổ chức và các mối quan hệ liên ngành, liên vùng và quốc tế.

 

-           (4). Phải tạo ra sản phẩm độc đáo của du lịch Việt Nam. Để hấp dẫn khách du lịch, sản phẩm du lịch phải có tính đặc thù mang đậm bản sắc dân tộc, khai thác được thế mạnh của đất nước, của một vùng và mỗi địa phương.

 

-           (5). Du lịch là phục vụ nhu cầu con người ở trên mức tiêu dùng xã hội. Du lịch mang tính liên ngành, liên vùng và xã hội hoá rất cao, nên phải có sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Nhà nước và Chính phủ và sự hợp tác phối hợp của các ngành. Mỗi sự ách tắc, trục trặc của một ngành đều ảnh hưởng và để lại cho du lịch những hệ quả và những thiệt hại không nhỏ cho đất nước và uy tín của ngành Du lịch.

 

Đây chỉ là bước đầu những người thực hiện đề tài tiếp nhận tư liệu, kết hợp thực tiễn của những nhân chứng lịch sử, viết lên quá trình hoạt động của Ngành. Họ đã sưu tầm tư liệu từ các kho lưu trữ của Nhà nước, ghi lại bút tích của các đồng chí lãnh đạo Nhà nước qua mỗi giai đoạn phát triển và cố gắng ghi lại gắn với biến cố của đất nước để cùng đánh giá và tìm ra bài học.



 
 
Nhiệm vụ khoa học công nghệ 2008
  Đơn vị thực hiện: Trung tâm Thông tin du lịch
Bản quyền: Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam
Lưu hành nội bộ