Người sử dụng:
 
  Thoát

Tên đề tài  
Xây dựng mô hình về bảo vệ môi trường du lịch với sự tham gia của cộng đồng, góp phần đảm bảo phát triển du lịch bền vững tại đảo Cát Bà - Hải Phòng
Đơn vị chủ trì Viện nghiên cứu phát triển du lịch
Năm thực hiện 2002
Chủ nhiệm đề tài PGS. TS. Phạm Trung Lương

Tóm tắt nội dung

Tính cấp thiết của đề tài:

Du lịch với tính chất của một ngành kinh tế tổng hợp mang tính xã hội hoá, tính liên ngành và liên vùng cao, đang có tốc độ tăng trưởng nhanh và được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm đẩy mạnh phát triển, đã có những tác động nhất định đến môi trường (bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường nhân văn). Như vậy vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay cũng có những tác động đáng kể từ du lịch, đặc biệt những khu vực trọng điểm phát triển du lịch.

 

Trong nỗ lực chung để xác định những giải pháp hữu hiệu cho việc bảo vệ môi trường (BVMT), việc nghiên cứu xây dựng mô hình BVMT với sự tham gia của cộng đồng được xem là một hướng tiếp cận quan trọng mang tính bền vững và lâu dài. Quan điểm này xuất phát từ thực tế là nhiều vấn đề môi trường chỉ có thể giải quyết được tương đối toàn diện và lâu dài nếu có sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt đối với những vấn đề môi trường chịu tác động chủ yếu từ cộng đồng như sự suy giảm đa dạng sinh học do săn bắn, khai thác rừng; ô nhiễm do chất thải từ sinh hoạt của cộng đồng; v.v…

 

Hải đảo Cái Bà, một cực quan trọng của trung tâm du lịch Hạ Long - Cát Bà nơi có nhiều tiềm năng đặc sắc để phát triển du lịch và cũng là nơi có môi trường nhậy cảm với những tác động của phát triển kinh tế - xã hội nói chung, của hoạt động du lịch nói riêng. Trong những năm gần đây du lịch Cát Bà đang có những khởi sắc. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó, du lịch Cát Bà cũng đang đứng trước những nguy cơ ảnh hưởng của những vấn đề môi trường liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính tổng thể về BVMT ở khu vực này. Một trong những giải pháp quan trọng đó là xác lập mô hình BVMT du lịch với sự tham gia của cộng đồng phù hợp với đặc điểm cụ thể ở khu vực này.

 

Mục tiêu của đề tài:

Nghiên cứu đề xuất mô hình thí điểm về BVMT du lịch với sự tham gia của cộng đồng, góp phần đảm bảo phát triển du lịch bền vững.

 

Phạm vi nghiên cứu:

- Về đối tượng: + Cộng đồng dân cư sinh sống trên đảo Cát Bà

                                      + Môi trường du lịch tự nhiên

  + Hoạt động BVMT, chú trọng những hoạt động có ý nghĩa với phát triển du lịch.

- Về không gian: Đảo Cát Bà, trọng điểm tập trung tại khu vực thị trấn.

- Về thời gian:     Đến năm 2003, chú trọng thời gian từ năm 2000.

 

Nội dung nghiên cứu chính:

§     Tổng hợp, phân tích một cách hệ thống các khái niệm liên quan giữa du lịch và môi trường du lịch:

­       Các khái niệm về du lịch, môi trường du lịch, cộng đồng và các yếu tố liên quan giữa du lịch, môi trường và cộng đồng.

­       Phân tích mối liên hệ giữa môi trường và sự phát triển du lịch, phát triển của cộng đồng vùng hải đảo.

§     Tổng hợp, phân tích hiện trạng và tiềm lực phát triển kinh tế – xã hội, du lịch của đảo Cát Bà

­       Đánh giá tổng hợp các nguồn lực phát triển, hiện trạng phát triển du lịch và chất lượng môi trường

­       Dự báo phát triển du lịch Cát Bà và sức ép tới môi trường nói chung và môi trường du lịch nói riêng của đảo Cát Bà

§     Tổng hợp, phân tích các đặc điểm của cộng đồng dân cư tại đảo Cát Bà và xây dựng mô hình bảo vệ môi trường du lịch với sự tham gia của cộng đồng

­       Các đặc điểm của cộng đồng dân cư tại đảo Cát Bà

­       Xác lập các nguyên tắc và lựa chọn các thành phần để xây dựng mô hình bảo vệ môi trường du lịch với sự tham gia của cộng đồng.

­       Các quyền lợi, nghĩa vụ của từng thành phần cộng đồng khi tham gia mô hình bảo vệ môi trường du lịch tại Cát Bà

§     Đề xuất các giải pháp thực hiện mô hình bảo vệ môi trường với sự tham gia của cộng đồng tại Cát Bà

­       Các giải pháp cụ thể để triển khai áp dụng mô hình tại Cát Bà

­       Các khuyến nghị khi áp dụng mô hình tại các khu du lịch khác.

 

Kết quả đề tài:

Đề tài đã hệ thống hóa một cách có chọn lọc các khái niệm liên quan giữa du lịch, môi trường và phát triển cộng đồng. Qua các kết quả nghiên cứu tư liệu, khảo sát đề tài đã đánh giá hệ thống các tiềm lực phát triển kinh tế xã hội nói chung và du lịch nói riêng tại đảo Cát Bà cũng như các tính chất của tổ chức cộng đồng dân cư sinh sống trên đảo. Dựa trên các phân tích hiện trạng, đề tài phân tích sức ép tới môi trường du lịch tại đảo và dự báo tình trạng môi trường theo sự gia tăng phát triển du lịch trong những năm tới để thấy rõ các yếu tố ảnh hưởng tới quá trình phát triển du lịch bền vững trên đảo. Trên cơ sở tính chất của cộng đồng và khả năng đáp ứng của môi trường du lịch tại đảo, đề tài đã đề xuất mô hình bảo vệ môi trường với sự tham gia của các thành phần trong cộng đồng với các nghĩa vụ và quyền lợi cụ thể. Đồng thời để đảm bảo tính ứng dụng, đề tài đã đề xuất các giải pháp để áp dụng mô hình đề xuất trên tại đảo Cát Bà cũng như các khuyến nghị khi áp dụng đối với các khu du lịch khác nhằm đảm bảo cho quá trình phát triển du lịch được bền vững.

 

Địa chỉ ứng dụng kết quả đề tài :

Các kết quả xây dựng mô hình của đề tài được nghiên cứu áp dụng tại một số khu du lịch khác như đền Hùng, Sa Pa, một số điểm du lịch Nam Trung Bộ… Tại Cát Bà, kết quả nghiên cứu của đề tài tiếp tục được tham khảo, sử dụng và triển khai sâu hơn tại dự án hợp tác quốc tế Việt Nam – Tây Ban Nha của Tổng cục Du lịch “Marketing điểm đến”. Ngoài phạm vi Tổng cục Du lịch, Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng đã tham khảo các kết quả nghiên cứu mô hình của đề tài để xây dựng quy chế quản lý môi trường với sự tham gia của cộng đồng tại nhiều khu vực trên cả nước.



 
 
Nhiệm vụ khoa học công nghệ 2008
  Đơn vị thực hiện: Trung tâm Thông tin du lịch
Bản quyền: Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam
Lưu hành nội bộ