Người sử dụng:
 
  Thoát

Tên đề tài  
Cơ sở khoa học cho các chính sách, giải pháp quản lý khai thác tài nguyên du lịch Việt Nam
Đơn vị chủ trì Viện nghiên cứu phát triển du lịch
Năm thực hiện 2002
Chủ nhiệm đề tài TS. Trịnh Quang Hảo

Tóm tắt nội dung

Tính cấp thiết của đề tài:

Ngành Du lịch được Đảng và Nhà nước xác định là ngành kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nghị quyết Đại hội IX của Đảng đã chỉ rõ: “Phát triển Du lịch thật sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn”. Phát triển du lịch góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện nâng cao đời sống, mang lại nguồn thu ngoại tệ, cải thiện cán cân thanh toán, phát triển cơ sở hạ tầng làm thay đổi bộ mặt của đất nước.

 

Việt Nam là nước có tiềm năng to lớn về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn. Là một nước có điều kiện thiên nhiên nhiệt đới, nằm ở vị trí chiến lược ở Đông Nam Á và giàu truyền thống văn hóa lịch sử. Đứng trước sự mở cửa của nền kinh tế, với sự tin tưởng của Đảng và Nhà nước, ngành Du lịch Việt Nam phải có những giải pháp, chính sách, các chiến lược phát triển Du lịch, nhằm thực hiện quản lý và khai thác tài nguyên du lịch một cách hiệu quả mà vẫn đảm bảo sự phát triển bền vững của các nguồn tài nguyên, tháo gỡ những bức xúc hiện nay trong quản lý khai thác tài nguyên du lịch, góp phần tăng cường hiệu quả khai thác, nâng cao kinh tế xã hội. Đây chính là lý do nghiên cứu của đề tài.

Mục tiêu nghiên cứu:

- Xác lập cơ sở khoa học về lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng các chính sách, giải pháp quản lý khai thác hợp lý, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên du lịch.

-  Trên cơ sở lý luận và thực tiễn đã nghiên cứu, đề tài đề xuất một số chính sách và giải pháp tháo gỡ tình trạng khai thác tự phát, lộn xộn tài nguyên du lịch hiện nay tại các địa phương, nhằm khai thác hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên.

Phạm vi nghiên cứu:

- Về thời gian nghiên cứu:

Chủ yếu là những năm của thập kỷ 90 đến năm 2002.

- Về đối tượng nghiên cứu:

+ Quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng phát triển các khu du lịch

+ Quản lý thu, sử dụng các loại phí, vé tham quan, tiền công đức

+ Quản lý đầu tư bảo tồn, bảo vệ tài nguyên, môi trường

+ Quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ

+ Quản lý vệ sinh môi trường

+ Quản lý, đảm bảo an toàn cho khách du lịch

+ Quản lý, đảm bảo an ninh trật tự

- Về không gian:

+ Tại một số khu du lịch trọng điểm, tiêu biểu cho các dạng tài nguyên du lịch ở Việt Nam

+ Một số nước có các điều kiện tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Philipin…

Phương pháp nghiên cứu:

- Phương pháp tổng hợp, phân tích số liệu, tài liệu

- Phương pháp khảo sát thực địa và điều tra kiểm chứng

- Phương pháp điều tra xã hội học

- Phương pháp lấy ý kiến chuyên gia

Nội dung nghiên cứu chính:

- Nghiên cứu có hệ thống và tổng quan những vấn đề lý luận chung về tài nguyên du lịch, quản lý khai thác tài nguyên du lịch. Tài nguyên du lịch lần đầu tiên được phân loại, đánh giá từ góc độ quản lý khai thác, phục vụ cho định hướng quản lý khai thác tài nguyên du lịch.

- Thông qua nghiên cứu khảo sát thực tế tại các khu du lịch về mô hình, nội dung cách thức quản lý cùng hệ thống văn bản pháp quy đã ban hành từ trung ương đến địa phương, nghiên cứu chức năng vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, đề tài đã làm rõ và thể hiện được bức tranh toàn cảnh về hiện trạng quản lý khai thác tài nguyên du lịch hiện nay ở Việt Nam, đưa ra những khó khăn bất cập và nguyên nhân, nhằm tìm cách tháo gỡ và có các giải pháp hoàn thiện công tác quản lý khai thác tài nguyên du lịch ở Việt Nam.

- Từ nghiên cứu thực tiễn quản lý khai thác tài nguyên du lịch ở một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Philipin, đề tài đã rút ra được 7 bài học kinh nghiệm trong quản lý khai thác tài nguyên du lịch, những bài học kinh nghiệm quản lý Nhà nước, đó là:

+ Về phân cấp quản lý;

+ Về sự phối hợp liên ngành;

+ Về quản lý kinh doanh tại điểm du lịch;

+ Về phân chia lợi ích cộng đồng;

+ Về giáo dục và đào tạo du lịch;

+ Về quản lý giữ gìn và bảo vệ môi trường…

Đây là những kinh nghiệm quý giá, có thể vận dụng vào điều kiện Việt Nam.

- Trên cơ sở những nghiên cứu lý luận và thực tiễn quản lý khai tài nguyên du lịch ở Việt Nam, những kinh nghiệm, bài học đúc kết được từ một số quốc gia trong khu vực, đề tài đã đề xuất một số chính sách và giải pháp nhằm tháo gỡ những bức xúc hiện nay trong quản lý khai thác tài nguyên du lịch, cụ thể là:

+ Đề xuất một số nội dung cơ bản nhằm hoàn thiện và ban hành mới một số văn bản pháp lý về quản lý khai thác tài nguyên du lịch và liên quan;

+ Xác định rõ các nội dung, đề xuất cách thức quản lý, mô hình quản lý và các giải pháp quản lý cụ thể có thể áp dụng vào thực tiễn quản lý khai thác tài nguyên du lịch tại cơ sở, góp phần phát huy giá trị, bảo tồn phát triển tài nguyên và nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội của các hoạt động khai thác tài nguyên phát triển du lịch tại địa phương.

Kết quả đạt được của đề tài:

- Làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng các chính sách quản lý khai thác tài nguyên du lịch Việt Nam

- Là tài liệu tham khảo hữu ích cho đơn vị khai thác tài nguyên, các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên du lịch. 

Địa chỉ ứng dụng của đề tài:

- Tổng cục Du lịch, các cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên;

- Các doanh nghiệp du lịch (có khai thác tài nguyên du lịch);

- Bộ Văn hóa Thông tin.



 
 
Nhiệm vụ khoa học công nghệ 2008
  Đơn vị thực hiện: Trung tâm Thông tin du lịch
Bản quyền: Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam
Lưu hành nội bộ