Người sử dụng:
 
  Thoát

Tên đề tài  
Chuyển một số khách sạn Nhà nước thành công ty cổ phần
Đơn vị chủ trì Vụ Tài chính
Năm thực hiện 1995
Chủ nhiệm đề tài Phạm Văn Tân

Tóm tắt nội dung

Tính cấp thiết của đề tài:

 

Trong công cuộc đổi mới kinh tế ở nước ta, đổi mới khu vực kinh tế quốc doanh, nhất là đổi mới quản lý các doanh nghiệp nhà nước có ý nghĩa quyết định. Một trong các giải pháp cơ bản nhằm đổi mới, cải cách khu vực kinh tế quan trọng này là phải lần lượt chuyển một phần lớn các Doanh nghiệp Nhà nước không thuộc diện mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần (gọi tắt là cổ phần hoá).

Kể từ khi có quyết định 202/CT ngày 8/6/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) và chỉ thị 84/TTg ngày 4/3/1993 của Thủ tướng Chính phủ về việc xúc tiến thực hiện thí điểm cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và các biện pháp nhằm chuyển hóa hoặc đa dạng hóa sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước, một số doanh nghiệp Nhà nước đã tiến hành thực hiện làm thí điểm. Song quá trình triển khai của toàn bộ nền kinh tế nói chung rất chậm chạp, chưa đạt yêu cầu về mục tiêu, tiến độ, số lượng doanh nghiệp cũng như thời gian thực hiện.

Từ tình hình nêu trên, trong thời gian qua ngành Du lịch đã chuẩn bị từng bước để thực hiện chuyển một số khách sạn nhà nước thành công ty cổ phần. Song, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, còn có lúng túng trong việc giải quyết vấn đề này. Cổ phần hóa đến đâu? Thực hiện loại khách sạn nào? Các bước tiến hành ra sao cho hợp lý?

Vào thời điểm trước năm 1994, cổ phần hoá nói chung và cổ phần hoá khách sạn du lịch nói riêng là một vấn đề vừa mới mẻ, vừa phức tạp,  nên trong quá trình triển khai thực hiện không những cần nắm vững các quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trên thế giới, của các doanh nghiệp đã đi trước ở trong nước về việc cổ phần hoá, mà còn đòi hỏi phải sáng tạo trong vận dụng để chủ trương cổ phần hoá sớm đi vào cuộc sống, trong những điều kiện cụ thể của ngành kinh tế du lịch.

Đó cũng chính là xuất phát điểm và tính cấp bách của đề tài “Chuyển một số khách sạn du lịch nhà nước thành công ty cổ phần”. Việc tiếp tục nghiên cứu vận dụng cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tiễn của các nước, của một số doanh nghiệp đã đi trước trong nước sẽ góp phần tích cực đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa các khách sạn nhà nước trong trong ngành Du lịch.

 

Mục tiêu nghiên cứu của đề tài:

 

Nhằm tìm các giải pháp hữu hiệu góp phần đẩy nhanh tiến trình và nâng cao hiệu quả của việc cổ phần hoá các khách sạn nhà nước trong ngành du lịch.

 

Phương pháp nghiên cứu:

Các phương pháp nghiên cứu chủ yếu được sử dụng trong quá trình thực hiện đề tài bao gồm:

- Phương pháp phân tích tổng hợp và nghiên cứu hệ thống

- Phương pháp thống kê

- Phương pháp dự báo

- Phương pháp chuyên gia

 

Nội dung và kết quả nghiên cứu của đề tài:

Ngoài phần mở đầu, phần kết luận và tài liệu tham khảo, đề tài gồm 3 chương nội dung:

-          Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước;

-          Chương 2: Thực trạng của doanh nghiệp khách sạn và yêu cầu bức thiết phải cổ phần hoá một số khách sạn du lịch nhà nước;

-          Chương 3: Đặc điểm, nội dung yêu cầu và giải pháp tiến hành cổ phần hoá một số khách sạn du lịch nhà nước.

 

          Với 3 chương nội dung nêu trên, đề tài: “Chuyển một số khách sạn du lịch nhà nước thành công ty cổ phần" đã góp phần làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn, xây dựng một đề án mẫu như sau:

-          Từ việc khái quát và phân tích tình hình cổ phần hoá ở trong nước và ở ngoài nước, đề tài đã nêu được những kinh nghiệm quan trọng dẫn tới thành công trong quá trình cổ phần hoá có thể áp dụng vào Việt Nam.

-          Qua phân tích thực trạng của doanh nghiệp khách sạn du lịch, quá trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam trong thời gian vừa qua và một số đặc điểm của hoạt động kinh doanh khách sạn, đề tài đã làm rõ cổ phần hoá một số khách sạn nhà nước là sự cần thiết cấp bách, một tất yếu khách quan và thể hiện một bước đổi mới tư duy chính trị, tư duy kinh tế của toàn ngành.

-          Trên cơ sở phân tích những khác biệt trong cổ phần hoá khách sạn ở Việt Nam, đề tài góp phần làm rõ thêm những mục tiêu cơ bản, nội dung chủ yếu và giải pháp tiến hành cổ phần hoá một số khách sạn du lịch

-          Sau phần nghiên cứu về mặt lý thuyết, đề tài đã xây dựng một đề án làm mẫu có thể áp dụng vào việc xây dựng đề án cổ phần hoá khách sạn cụ thể trong ngành du lịch.

 

Đề tài đã có những đóng góp đáng ghi nhận trong việc góp phần làm sáng tỏ chủ trương cổ phần hoá một số khách sạn trong ngành Du lịch mà tại thời điểm trước năm 1994 toàn ngành từ trung ương đến các địa phương đang sôi nổi bàn luận và chuẩn bị thực hiện.

Kết quả thực hiện chủ trương cổ phần hoá trong ngành Du lịch trong những năm vừa qua tuy còn hạn chế, nhưng kết quả đóng góp của đề tài nghiên cứu một lần nữa đã được ghi nhận (nhất là những giải pháp, lộ trình và phương án mẫu cổ phần hoá các khách sạn du lịch được tập thể nhóm nghiên cứu đưa ra trong đề tài).

Ghi chú:

Đơn vị chủ trì:

 

Vụ Kế hoạch Đầu tư (Vụ tài chính)



 
 
Nhiệm vụ khoa học công nghệ 2008
  Đơn vị thực hiện: Trung tâm Thông tin du lịch
Bản quyền: Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam
Lưu hành nội bộ