Người sử dụng:
 
  Thoát

Tên đề tài  
Mô hình trường du lịch Việt Nam
Đơn vị chủ trì Vụ Tổ chức cán bộ
Năm thực hiện 1994
Chủ nhiệm đề tài Nguyễn Văn Thiêm

Tóm tắt nội dung

Tính cấp thiết của đề tài  nghiên cứu:

Thực hiện chính sách mở cửa từ cuối thập kỷ 80 của thế kỷ 20, du lịch nổi lên là một ngành kinh tế mới với đầy tiềm năng và sức tăng trưởng mới. Năm 1992 Chính phủ thành lập lại Tổng cục Du lịch với mục tiêu tăng cường quản lý nhà nước về du lịch và thúc đẩy du lịch phát triển thành ngành kinh tế quan trọng (Nghị định 05/CP, Nghị định 20/CP, Nghị quyết 45/CP). Ngành Du lịch tuy đã ra đời từ những năm 60 nhưng thực chất du lịch mới thực sự phát triển từ khi có chính sách mới này.

 

Những năm 90 của Thế kỷ 20, Du lịch Việt Nam khởi sắc: lượng khách du lịch quốc tế và nội địa không ngừng tăng lên kéo theo sự phát triển của khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành, dịch vụ du lịch. Trước thực trạng du lịch tăng trưởng mạnh, cơ sở vật chất kỹ thuật không ngừng gia tăng, đội ngũ cán bộ nhân viên du lịch cũng tăng lên mạnh mẽ, đặt ra nhu cầu đào tạo lớn cả về số lượng và chất lượng để nhanh chóng bù đắp những hẫng hụt vừa thiếu, vừa yếu đối với lao động toàn Ngành.

 

Ngành Du lịch đang thiếu những cán bộ quản lý và những nhà doanh nghiệp giỏi, có kiến thức kinh tế đối ngoại, tinh thông luật pháp và thông thạo về ngoại ngữ, biết làm ăn có hiệu quả trong cơ chế mới. Thiếu những chuyên gia đầu đàn, giỏi kỹ thuật, nghiệp vụ về du lịch và khách sạn.

 

Vì những lý do trên, việc nghiên cứu để củng cố và xây dựng hệ thống cơ sở đào tạo du lịch là vấn đề cực kỳ quan trọng, là điều kiện tiên quyết đưa Du lịch Việt Nam phát triển một cách đúng đắn, mang lại hiệu quả thiết thực, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

 

Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó, Vụ Tổ chức - Cán bộ thực hiện đề tài khoa học: "Mô hình trường Du lịch Việt Nam"

 

Mục tiêu nghiên cứu:

Hình thành cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng mô hình đào tạo gắn đào tạo lý thuyết với thực hành, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của Ngành.

 

Phương pháp nghiên cứu:

Đề tài sử dụng các phương pháp nghiên cứu chủ yếu là: Phương phát phân tích logic biện chứng, duy vật lịch sử, phương pháp hệ thống và kết hợp điều tra, thống kê.

 

Nội dung chủ yếu:

Đề tài đã hệ thống hoá được một số khái niệm và vấn đề lý luận liên quan đến mô hình đào tạo gắn lý thuyết với thực hành. Đề tài đã sưu tầm và rút ra một số kinh nghiệm của các trường ngoài nước; lấy mô hình đào tạo ngành Y để so sánh và vận dụng ứng với tính đặc thù, khác biệt của ngành Du lịch.

 

Đề tài đi sâu phân tích thực trạng nhu cầu đào tạo của Ngành, điều kiện và khả năng đầu tư cho giáo dục và đào tạo của Ngành Du lịch; Chỉ ra tính cần thiết và kinh nghiệm của các trường trong việc đào tạo nghiệp vụ, gắn đào tạo lý thuyết với thực hành.

 

Trường Khách sạn là mô hình đào tạo phù hợp với cơ chế mới, gắn liền việc trang thiết bị kiến thức lý thuyết với việc rèn luyện kỹ năng thực hành, đảm bảo hiệu quả và chất lượng cao. Trường được xây dựng trên cơ sở vận dụng những kinh nghiệm phát triển hệ thống các cơ sở đào tạo du lịch ở các nước du lịch tiên tiến, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và điều kiện phát triển du lịch ở Việt Nam.

 

Trên cơ sở lý luận và thực tiễn, đề tài đã đề xuất mô hình trường thí điểm - Trường Du lịch Hà Nội, với các nội dung cụ thể: Mục tiêu, mô hình tổ chức, nhân sự, cơ chế quản lý điều hành, chương trình đào tạo, chế độ thi, cấp văn bằng, chứng chỉ, chế độ quản lý tài chính và khả năng thực thi của trường du lịch theo mô hình mới.

 

Điểm nổi bật trong nội dung của đề tài là đề cập đến phương thức đào tạo mới, gắn đào tạo lý thuyết gắn với đào tạo thực hành theo “Mô hình trường - khách sạn”. Đối với đào tạo nghiệp vụ khách sạn, trong nhà trường có khách sạn vừa là nơi kinh doanh, vừa là nơi đào tạo thực hành cho học sinh. Mô hình đào tạo này được vạch ra áp dụng thí điểm áp dụng cho Trường Trung học nghiệp vụ Du lịch Hà Nội.

 

Đề tài đã bao quát những nội dung thông tin cần thiết, tạo dựng ý tưởng và phương thức thực hiện mô hình đào tạo du lịch mới vào nước ta: Đào tạo chất lượng cao gắn đào tạo lý thuyết với đào tạo thực hành thông qua môi trường thực tế kinh doanh của trường - khách sạn.

 

Kết quả ứng dụng:

Đề tài Mô hình Trường Du lịch Việt Nam được triển khai thực hiện, sẽ là tiền đề đổi mới và phát triển hệ thống các cơ sở đào tạo du lịch ở Việt Nam. Trường sẽ trở thành những Trung tâm đào tạo có quy mô và chất lượng cao, không những đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật lành nghề cho các đơn vị trong ngành mà còn đào tạo dội ngũ giáo viên cho các trường lớp về du lịch trong nước và nước ngoài.

 

Ở mỗi vùng trọng điểm, Trường Du lịch sẽ trở thành Trung tâm chính để trao đổi kiến thức và kinh nghiệm về lĩnh vực du lịch, tạo điều kiện cho việc tăng cường và củng cố các mối quan hệ hợp tác quốc tế, tăng thêm sự hiểu biết và tình đoàn kết giữa các nước và các dân tộc, góp phần quan trọng đưa sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam tiến kịp các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển Du lịch Việt Nam trước mắt và lâu dài.

 

Đề tài là tài liệu tham khảo tốt đối với Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo để có những chính sách mới phù hợp cho mô hình đào tạo mới phát huy tác dụng, hiệu quả.



 
 
Nhiệm vụ khoa học công nghệ 2008
  Đơn vị thực hiện: Trung tâm Thông tin du lịch
Bản quyền: Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam
Lưu hành nội bộ