Người sử dụng:
 
  Thoát

Tên đề tài  
Cơ sở khoa học và giải pháp thực hiện xã hội hóa du lịch ở Việt Nam
Đơn vị chủ trì Viện nghiên cứu phát triển du lịch
Năm thực hiện 2002
Chủ nhiệm đề tài TS. Nguyễn Văn Bình

Tóm tắt nội dung

Tính cấp thiết của đề tài:


Thời gian gần đây, ở Việt Nam du lịch đã trở thành hiện tượng phổ biến trong xã hội. Rất nhiều thành phần kinh tế đã tham gia vào các lĩnh vực khác nhau của hoạt động du lịch, tạo nên một bức tranh du lịch sôi động trên phạm vi toàn quốc. Đây là một thực tế phản ánh tình hình xã hội hoá sâu sắc của du lịch Việt Nam.

 

Tuy nhiên cũng có một thực tế khác là sự tham gia của các thành phần kinh tế trong rất nhiều trường hợp còn diễn ra một cách tự nhiên, lộn xộn, thiếu kiểm soát, thậm chí có hiện tượng núp bóng, giả danh hoặc cạnh tranh thiếu lành mạnh, làm mất trật tự trị an, làm suy giảm, xuống cấp tài nguyên, ảnh h­ưởng đến chất lư­ợng dịch vụ và tâm lý du khách. Nguyên nhân có nhiều, trong đó phải kể đến ý thức của ngư­ời dân, song về phía quản lý Nhà nước cũng còn thiếu những quy định, những h­ướng dẫn cụ thể, những hỗ trợ cần thiết để nhân dân tham gia vào hoạt động du lịch một cách đúng đắn.

 

Như vậy một mặt rất cần thiết phải mở rộng, tạo điều kiện để đông đảo quần chúng tham gia vào hoạt động du lịch, mặt khác cần xác định rõ những nội dung và phư­ơng thức cụ thể để thực hiện xã hội hoá du lịch một cách đúng đắn nhất, sao cho môi trường du lịch được bảo đảm và du lịch đư­ợc phát triển theo cách bền vững. Chính trong bối cảnh đó đề tài: “Cơ sở khoa học, thực tiễn và giải pháp thực hiện xã hội hóa du lịch Việt Nam” có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần triển khai thành công chương trình xã hội hoá Du lịch Việt Nam.

Mục tiêu và phạm vi của đề tài:

 

Xác định cơ sở lý luận và nội dung của xã hội hóa du lịch, đồng thời xác định những định hướng và các giải pháp chính cho việc triển khai thành công công cuộc xã hội hóa du lịch ở Việt Nam.

 

Đề tài giới hạn nghiên cứu trong phạm vi các nội dung chính sách, các vấn đề hoạt động thực tiễn liên quan đến xã hội hoá du lịch, trong đó tập trung vào lĩnh vực sản xuất du lịch, các phần tiêu dùng du lịch tạm thời chư­a có những phân tích sâu.

 

Phương pháp nghiên cứu:

 

Trong quá trình nghiên cứu, đề tài đã áp dụng những phương pháp cụ thể sau:

-      Phương pháp phân tích tổng hợp tài liệu

-      Phương pháp khảo sát thực tế

-      Phương pháp điều tra xã hội học

-      Phương pháp chuyên gia

Nội dung và kết quả của đề tài:

Đề tài gồm 3 chương theo 3 nội dung nghiên cứu chính sau:

§     Cơ sở lý luận về xã hội hóa nói chung và xã hội hóa du lịch nói riêng.

§     Thực trạng xã hội hóa du lịch ở Việt Nam, những vấn đề tồn tại.

§     Những định hướng và giải pháp cho triển khai xã hội hóa Du lịch Việt Nam.

Bằng những nghiên cứu tổng hợp các nguồn tư liệu, những kinh nghiệm trong nước và quốc tế, đề tài đã đưa ra khái niệm về Xã hội hóa du lịch. Từ khái niệm đó đề tài đã nêu những nguyên tắc quan trọng trong thực hiện xã hội hóa du lịch như sau:

§     Xã hội hóa du lịch phải xác định được cộng đồng trách nhiệm, trong đó làm rõ trách nhiệm cụ thể của Nhà nước và của cộng đồng dân cư .

§     Kết hợp Vận động và Tổ chức thực hiện xã hội hóa du lịch. Vận động thông qua quảng bá, tuyên truyền, huy động tham gia, nhưng phải được tổ chức đảm bảo việc tham gia hiệu quả nhất. Không để tự do phát triển, mạnh ai nấy làm. Đấy là điều cốt yếu trong xã hội hóa du lịch.

§     Phải theo đúng quy hoạch và luật pháp: Đây là nguyên tắc cần quán triệt trong quá trình thực hiện xã hội hoá, đảm bảo sự phát triển bền vững.

§     Phải mang lại nhiều lợi ích hơn cho xã hội, cho cộng đồng dân cư.

Nội dung xã hội hóa du lịch chính là xã hội hóa những lĩnh vực hoạt động cụ thể trong du lịch, như đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch; tổ chức cho cộng đồng tham gia vào quản lý bảo vệ tài nguyên môi trường; tham gia vào đào tạo phát triển nguồn nhân lực; tham gia vào các hoạt động quảng cáo, xúc tiến du lịch...

Đề tài đã đánh giá thực trạng công tác xã hội hóa du lịch ở nước ta qua một số chỉ tiêu chính: môi trường pháp lý cho xã hội hóa du lịch, điều kiện kinh tế xã hội và thực trạng hoạt động kinh doanh. Từ đó đề tài đã đưa ra được một số định hướng và giải pháp thực hiện xã hội hóa du lịch.

Các giải pháp được các nhà nghiên cứu phân thành 5 nhóm chính:

§     Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách,

§     Nhóm giải pháp về tổ chức, quản lý thực hiện,

§     Nhóm giải pháp hành chính,

§     Nhóm giải pháp về quảng bá, xúc tiến,

§     Hinh thành các hiệp hội là giải pháp tăng cường xã hội hóa du lịch.

Trong kết luận, đề tài đã nêu một số kiến nghị:

§     Đối với Chính phủ:

­       Cần nhanh chóng ban hành một văn bản quy phạm về xã hội hóa du lịch với những hướng dẫn thực hiện cụ thể .

§     Đối với ngành Du lịch:

­      -  Cần nghiên cứu xây dựng ngay các hệ thống tiêu chuẩn trong những lĩnh vực hoạt động chủ yếu của ngành, làm cơ sở tốt cho cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch.

­       - Song song với việc tổ chức sắp xếp lại doanh nghiệp, cần tăng cường nghiên cứu một chương trình cụ thể trong xúc tiến xã hội hóa một số lĩnh vực hoạt động du lịch. Trước mắt là hoạt động lữ hành, đặc biệt là lữ hành quốc tế, hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực; hoạt động vận chuyển khách du lịch và đầu tư du lịch.



 
 
Nhiệm vụ khoa học công nghệ 2008
  Đơn vị thực hiện: Trung tâm Thông tin du lịch
Bản quyền: Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam
Lưu hành nội bộ