Tóm tắt nội dung
Tính cấp thiết của đề tài
Những năm gần đây, Du lịch Việt Nam đã phát triển với tốc độ cao, mang lại nguồn thu đáng kể cho đất nước. Trong tổ chức hoạt động du lịch quốc tế thu ngoại tệ, nhiều vật tư, hàng hoá và dịch vụ được sử dụng để đáp ứng nhu cầu đa dạng trong suốt chuyến đi của khách quốc tế vào Việt Nam du lịch. Thực chất đây là hoạt động xuất khẩu, nhưng là xuất khẩu tại chỗ vì hàng hoá và dịch vụ không phải vượt qua biên giới quốc gia. Nhưng loại hình xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch chưa được đánh giá đúng và chưa được hiểu đầy đủ. Trong bối cảnh xuất khẩu thông thường của nước ta đã có lúc biểu hiện xu hướng sụt giảm do nhiều nguyên nhân, thì xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch càng có ý nghĩa quan trọng. Nhưng hiểu thế nào cho đầy đủ nội hàm của xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch đang còn là một vấn đề tranh cãi, chưa thống nhất và do đó hạn chế việc xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch.
Đến nay ở nước ta, ngoài những nghiên cứu về xuất khẩu thông thường, chủ yếu tập trung vào vấn đề lý luận về xuất khẩu hàng hoá, chưa có nhiều đề tài nghiên cứu xuất khẩu dịch vụ và hầu như không có công trình nghiên cứu lý luận về xuất khẩu tại chỗ thông qua hoạt động du lịch, ngoại trừ một số khoá luận tốt nghiệp đại học đề cập đến hoạt động mua sắm của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam. Tình trạng này dẫn đến việc nhìn nhận, đánh giá về loại hình xuất khẩu tại chỗ thông qua hoạt động du lịch phiến diện và do đó chưa phát huy đúng mức thế mạnh này của ngành Du lịch.
Vì vậy việc nghiên cứu để hệ thống hoá những khái niệm lý luận về xuất khẩu tại chỗ thông qua hoạt động du lịch là nhằm giải quyết yêu cầu bức xúc cả về lý luận và thực tiễn nêu trên. Đồng thời đó cũng là cơ sở quan trọng giúp cho ngành Du lịch cũng như nhiều ngành liên quan đưa ra một số giải pháp hữu hiệu trong việc đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch ở nước ta.
Mục tiêu:
Góp phần đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch, từ đó làm rõ và tăng thêm vai trò của ngành kinh tế mũi nhọn du lịch.
Phạm vi nghiên cứu:
Đề tài tập trung vào các khái niệm và những vấn đề lý luận liên quan trực tiếp đến xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch. Các nội dung nghiên cứu được giới hạn trong lĩnh vực xuất khẩu tại chỗ qua du lịch. Phần tổng quan kinh nghiệm của một số nước chủ yếu lựa chọn những kinh nghiệm thành công mà nước ta có thể vận dụng được. Thời gian của những vấn đề liên quan đến thực trạng giới hạn trong vài năm gần đây, tuỳ thuộc vào số liệu tập hợp được. Việc tổ chức khảo sát chủ yếu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Nội dung cơ bản:
- Vấn đề lý luận và thực tiễn về xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch Việt Nam
- Bản chất và hình thái xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ
- Xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch - một bộ phận quan trọng của xuất khẩu hàng hoá dịch vụ
- Tính chuyên biệt của xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch
- Hiệu quả kinh tế xã hội của xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch
- Khái quát về xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch trên thế giới và kinh nghiệm của một số nước trong xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch
- Thực trạng hoạt động xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch ở nước ta
- Nhận thức về xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch ở nước ta
- Thực trạng hoạt động xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch ở nước ta
- Đánh giá chung về xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch ở nước ta
- Đề xuất những giải pháp chủ yếu đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch ở Việt Nam
- Bối cảnh để đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ qua du lịch thời gian tới
- Phương hướng, mục tiêu xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch thời gian tới
- Những giải pháp cơ bản đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch
Ứng dụng, kết quả đạt được:
Qua quá trình nghiên cứu, phân tích, đánh giá nêu trên, có thể khẳng định du lịch ngày càng trở thành một trong những công cụ hữu hiệu, đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu tại chỗ, góp phần đáng kể vào thu nhập nền kinh tế quốc dân. Xuất khẩu thông qua con đường du lịch thực tế được thể hiện trên nhiều phương diện, từ nhiều góc độ khác nhau, nó bao trùm lên nhiều lĩnh vực, hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội.
Đối với du lịch Việt Nam mặc dù đạt được nhiều tiến bộ đáng khích lệ, tốc độ tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế cao trong những năm qua, tuy nhiên còn nhiều khó khăn, hạn chế, đặc biệt là khả năng cạnh tranh yếu, còn đứng sau xa so với một số nước có ngành du lịch phát triển trong khu vực. Vì vậy để có thể khắc phục những điểm yếu, phát huy tối đa nguồn lực và thế mạnh sẵn có, nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh thu hút khách du lịch, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu tại chỗ, tăng nguồn thu ngoại tệ, Du lịch Việt Nam cần phải đồng thời giải quyết các vấn đề mang tính dài hạn như đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến tạo điều kiện đi lại, quản lý và phát triển du lịch. |