Người sử dụng:
 
  Thoát

Tên đề tài  
Thực trạng và giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực Du lịch
Đơn vị chủ trì Vụ Pháp chế
Năm thực hiện 2000
Chủ nhiệm đề tài TS. Nguyễn Bích Vân

Tóm tắt nội dung

Tính cấp thiết của đề tài:

 

Phát triển du lịch và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch là hai vấn đề không thể tách rời. Thực tiễn phát triển kinh tế trong những năm qua đã cho thấy tính quyết định của cơ chế quản lý đối với hoạt động của nền kinh tế nói chung và đối với sự phát triển của ngành du lịch nói riêng.

 

Pháp luật là công cụ cơ bản của quản lý nhà nước. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với du lịch đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, với đặc điểm của một ngành kinh tế có tính chất liên ngành, việc hình thành một khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh có tính toàn diện, đồng bộ, hợp lý và khả thi cho ngành du lịch là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi phải có quá trình nghiên cứu sâu sắc và toàn diện. Cho đến nay, chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu một cách toàn diện và hệ thống các quy định pháp luật tác động tới lĩnh vực này.

 

Với những lý do trên, Vụ pháp chế đã chọn Đề tài “Thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực du lịch" nhằm mục đích nghiên cứu một số cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất những giải pháp về cơ chế chính sách nâng cao hiệu lực quản lý bằng pháp luật trong ngành du lịch.

 

Mục tiêu:

 

- Xác lập cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước bằng pháp luật trong ngành du lịch thông qua việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, hợp lý và có khả năng thực thi trong lĩnh vực du lịch.

 

- Nâng cao nhận thức của các đối tượng hoạt động du lịch về các quy định của pháp luật và về vai trò quản lý bằng pháp luật trong lĩnh vực du lịch, đưa các hoạt động du lịch vào kỷ cương nề nếp.

 

- Xây dựng cơ chế thực thi pháp luật trong lĩnh vực du lịch. Nâng cao hiệu quả thực thi pháp lệnh du lịch mọi ngành, mọi cấp.

 

Phạm vi nghiên cứu:

 

Nghiên cứu thực trạng hệ thống pháp luật về du lịch, văn bản pháp luật trong các lĩnh vực có liên quan và thực trạng công tác pháp chế trong lĩnh vực du lịch có kết hợp một số hoạt động khảo cứu thực tiễn.

 

Nội dung nghiên cứu chính:

 

- Vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay ở nước ta

- Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa – yêu cầu cơ bản của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
- Nghiên cứu vai trò của pháp luật và công tác pháp chế trong lĩnh vực du lịch thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

- Pháp lệnh du lịch và ý nghĩa của nó đối với việc phát triển du lịch ở nước ta

- Đánh giá thực trạng hệ thống các quy định pháp luật trong lĩnh vực du lịch và công tác pháp chế trong lĩnh vực du lịch, bao gồm: tìm hiểu thực trạng các văn bản pháp luật của ngành du lịch; các văn bản pháp luật liên quan đến du lịch; tìm hiểu thực trạng công tác pháp chế trong lĩnh vực du lịch bao gồm hoạt động của tổ chức pháp chế ngành và tình hình thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực du lịch.

- Hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực du lịch là đòi hỏi khách quan của thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và đưa ra một số kiến nghị

- Tăng cường công tác pháp chế là yêu cầu khách quan của việc phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay

 

Tổ chức thực hiện đề tài :

 

Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh: Hà Tây, Quảng Ninh, Khánh Hòa; thực hiện điều tra đối với 200 đối tượng làm công tác quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch. Đề tài cũng đã được tổ chức thực hiện với sự tham gia của một số chuyên gia nghiên cứu và hoạt động thực tiễn từ các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

 

Kết quả đạt được:      


- Xây dựng một số cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước bằng pháp luật trong ngành du lịch.

- Đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực du lịch; tăng cường công tác pháp chế trong ngành du lịch nói riêng và công tác pháp chế nói chung.

- Một số đề xuất, kiến nghị trong phạm vi nghiên cứu của đề tài đã được các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch công nhận và thực hiện có hiệu quả trên thực tế:

Ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh du lịch (các văn bản hướng dẫn hiện nay đã được xây dựng, ban hành tương đối đầy đủ và đang tiếp tục hoàn thiện trong năm 2003).

Tổng kết việc thực hiện Pháp lệnh du lịch, tiến tới ban hành Luật du lịch (Luật du lịch đã được Chính phủ và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng văn bản pháp luật năm 2004, hiện đang chờ Quốc hội thông qua)

Xây dựng cơ chế pháp lý để quản lý hiệu quả tài nguyên du lịch (Tổng cục Du lịch đã giao cho Vụ Pháp chế chủ trì xây dựng Nghị định về quản lý khu, tuyến, điểm du lịch một cơ sở pháp lý để quản lý, sử dụng và khai thác tài nguyên du lịch có hiệu quả).

Lập kênh thông tin cung cấp các văn bản pháp luật trong lĩnh vực du lịch (Vụ Pháp chế đã phối hợp với Báo Du lịch xây dựng mục văn bản mới đăng trên báo du lịch hàng tuần).

Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, các trường đào tạo trong ngành du lịch đã đưa pháp luật vào nội dung giáo dục của mình.



 
 
Nhiệm vụ khoa học công nghệ 2008
  Đơn vị thực hiện: Trung tâm Thông tin du lịch
Bản quyền: Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam
Lưu hành nội bộ