Người sử dụng:
 
  Thoát

Tên đề tài  
Nghiên cứu kinh nghiệm hoạt động xúc tiến du lịch của nước ngoài, vận dụng, đề xuất giải pháp tăng cường các hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam
Đơn vị chủ trì Vụ Thị trường
Năm thực hiện 2006
Chủ nhiệm đề tài Th.S. Nguyễn Thị Thanh Hương

Tóm tắt nội dung

Tính cấp thiết của đề tài  nghiên cứu:

Hoạt động xúc tiến du lịch trong những năm gần đây đã đóng góp một phần đáng kể vào sự phát triển vượt bậc của du lịch Việt Nam. Hoạt động này đã trở nên phong phú, đa dạng, có chiều sâu, phạm vi rộng, cả ở trong và ngoài nước góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự tăng trưởng lượng khách quốc tế và khách nội địa du lịch ở Việt Nam hàng năm. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra và so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực thì hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam còn rất hạn chế, tính chuyên nghiệp chưa cao, kinh phí hạn hẹp, hiệu quả và chất lượng của các hoạt động còn thấp; cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp du lịch còn nhiều bất cập.

 

Với mục đích học tập kinh nghiệm các nước, vận dụng vào những điều kiện cụ thể của Việt Nam để phát triển du lịch nói chung và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch nói riêng một số đề tài đã được thực hiện. Tuy nhiên, do mục đích, yêu cầu khác nhau, cách tiếp cận vấn đề khác nhau nên các đề tài đã đưa ra những kết quả khác nhau. Đề tài thì đi chuyên sâu vào đề xuất các giải pháp xúc tiến tại các thị trường trọng điểm còn đề tài khác thì phạm vi nghiên cứu rất rộng từ cơ chế, chính sách, chế độ ưu đãi đầu tư, tổ chức bộ máy... và vì vậy, hoạt động xúc tiến du lịch cũng được nhắc đến nhưng không nhiều.

 

Để tăng cường, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch trong thời gian tới, cần có sự nghiên cứu về cơ sở lý luận, học tập kinh nghiệm xúc tiến du lịch của những quốc gia có ngành du lịch phát triển hoặc có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện hoạt động xúc tiến du lịch của Việt Nam trong thời gian qua; tìm ra nguyên nhân của những hạn chế trong công tác tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch của Việt Nam, vận dụng kinh nghiệm, bài học trong hoạt động xúc tiến du lịch của các nước và khu vực; từ đó đề xuất các giải pháp để tăng cường công tác xúc tiến du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

 

Mục tiêu nghiên cứu:

 

Nghiên cứu kinh nghiệm hoạt động xúc tiến du lịch của nước ngoài, vận dụng, đề xuất giải pháp tăng cường các hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam.

 

Phạm vi nghiên cứu:

 

- Về nội dung: Đề tài tập trung nghiên cứu hoạt động xúc tiến điểm đến của một số cơ quan, tổ chức liên quan như Cơ quan du lịch địa phương, doanh nghiệp du lịch, Hiệp hội Du lịch và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức này trong việc xúc tiến điểm đến quốc gia. Nội dung xúc tiến du lịch được thực hiện thông qua rất nhiều hoạt động nhưng trong khuôn khổ đề tài xin được giới hạn trong các hoạt động xúc tiến du lịch chủ yếu như: tổ chức, tham gia tổ chức hội chợ, triển lãm chuyên ngành du lịch; tổ chức các đoàn khảo sát cho giới báo chí và doanh nghiệp lữ hành; tổ chức tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các sự kiện du lịch, hội nghị, hội thảo; xây dựng biểu tượng và khẩu hiệu chung cho ngành du lịch; sản xuất và phát hành các ấn phẩm, vật phẩm xúc tiến du lịch.

 

-  Về không gian: Đề tài nghiên cứu kinh nghiệm xúc tiến du lịch của 07 nước và vùng lãnh thổ, bao gồm: Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Tây Ban Nha, Hà Lan, vùng Caribê và phân tích, đánh giá kết quả hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam trong những năm qua.

 

- Về thời gian: đề tài tập trung phân tích, đánh giá, kinh nghiệm hoạt động xúc tiến của các nước cũng như của Việt Nam trong thời gian 5 năm qua từ 2000-2005; đề xuất phương hướng tăng cường hoạt động xúc tiến Du lịch Việt Nam trong 5 năm tới.

 

Nội dung chủ yếu và kết quả của đề tài:

 

+ Phần cơ sở lý luận của đề tài chủ yếu đề cập đến một số khái niệm cơ bản về xúc tiến du lịch, vai trò của xúc tiến du lịch trong marketing sản phẩm, marketing điểm đến; những đặc điểm của xúc tiến lịch nói chung và một số hoạt động xúc tiến du lịch cụ thể.

 

+ Qua kết quả nghiên cứu kinh nghiệm xúc tiến du lịch của 7 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhóm tác giả thấy nổi lên những bài học kinh nghiệm về tổ chức, điều hành thống nhất hoạt động xúc tiến du lịch của Chính phủ để huy động được sức mạnh tổng hợp từ các bộ, ngành, từ các thành phần kinh tế. Song song với chính sách thúc đẩy hoạt động xúc tiến du lịch phải có chính sách phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ nếu không sẽ không đạt được kết quả như mong muốn. Các hoạt động xúc tiến du lịch của họ vừa đa dạng về thể loại vừa sâu về chuyên môn. Tổ chức xúc tiến du lịch quốc gia được quan tâm đầu tư cả về nguồn lực tài chính, nguồn lực con người với những cơ chế chi tiêu của đơn vị kinh doanh, lấy kết quả cuối cùng làm thước đo.

 

+ Thực trạng hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam trong giai đoạn 2000-2005:

Đề tài đã tập trung xem xét, đánh giá kết quả tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch của Việt Nam do các chủ thể khác nhau thực hiện từ Tổng cục Du lịch, các địa phương, Hiệp hội Du lịch, doanh nghiệp du lịch. Qua phân tích nguyên nhân của những hạn chế trong việc tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch và so sánh với những kinh nghiệm học tập từ các nước và vùng lãnh thổ, nhóm tác giả đưa ra kết luận rằng Du lịch Việt Nam đang thực sự đứng trước một thách thức không nhỏ. Nếu không có những biện pháp mạnh, kịp thời thay đổi tư duy, nhận thức về hoạt động xúc tiến du lịch từ Chính phủ, cải cách thủ tục hành chính, tài chính đã lỗi thời, xây dựng một cơ quan xúc tiến du lịch độc lập, có nguồn kinh phí thoả đáng, có đội ngũ cán bộ giỏi cả về chuyên môn và ngoại ngữ thì Du lịch Việt Nam không thể duy trì được tốc độ tăng trưởng như mấy năm qua, và sẽ đánh mất những lợi thế do sự phát triển kinh tế chính trị ổn định mang lại.

 

+ Để tăng cường các hoạt động xúc tiến của Du lịch Việt Nam trong giai đoạn 2006-2010, nhóm thực hiện đề tài đã đề xuất 7 nhóm giải pháp bao gồm:

-          Đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, xây dựng chiến lược xúc tiến du lịch quốc gia và đổi mới công tác lập kế hoạch tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch

-          Hoàn thiện hệ thống pháp luật về xúc tiến du lịch, giải pháp

-          Hoàn thiện hệ thống cơ quan xúc tiến du lịch từ trung ương đến địa phương

-          Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực xúc tiến du lịch

-          Bố trí nguồn kinh phí thích hợp từ ngân sách và có cơ chế huy động các nguồn kinh phí khác cho các hoạt động xúc tiến quốc gia

-          Tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá

-          Nâng cao chất lượng và hiệu quả của từng hoạt động xúc tiến du lịch.

 

Ghi chú:

Đơn vị chủ trì:

 

Cục Xúc Tiến (Vụ Thị Trường)



 
 
Nhiệm vụ khoa học công nghệ 2008
  Đơn vị thực hiện: Trung tâm Thông tin du lịch
Bản quyền: Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam
Lưu hành nội bộ