Người sử dụng:
 
  Thoát

Tên đề tài  
Nghiên cứu đề xuất chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn du lịch Việt Nam
Đơn vị chủ trì Vụ Lữ hành
Năm thực hiện 2007
Chủ nhiệm đề tài TS. Phạm Lê Thảo

Tóm tắt nội dung

Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu:

 

Thời gian qua, Du lịch Việt Nam đã và đang có những bước phát triển đáng ghi nhận. Đội ngũ hướng dẫn viên trên toàn quốc đã và đang ngày càng phát triển về số lượng nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Hướng dẫn viên du lịch hiện nay, một số được đào tạo chuyên ngành hướng dẫn trong các khoa du lịch, một số được đào tạo chuyên ngành du lịch khác được bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn du lịch. Điều này đã dẫn đến tình trạng chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên còn hạn chế, trình độ không đồng đều.

 

Chương trình đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn du lịch đã được xây dựng và đưa vào áp dụng trong thực tế từ năm 2003. Tuy nhiên, việc nghiên cứu đánh giá mức độ phù hợp của chương trình với đối tượng được đào tạo và với nhu cầu của những người sử dụng lao động chưa được triển khai.

 

Việc điều chỉnh một số quy định về các điều kiện để được cấp, đổi thẻ hướng dẫn viên trong Luật Du lịch đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ tháng 01 năm 2006 cùng với nhu cầu hướng dẫn viên du lịch trên toàn quốc ngày càng tăng cao đòi hỏi phải có được chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn mới phù hợp với nhu cầu được đào tạo, bồi dưỡng của những đối tượng có các điều kiện tương ứng và có nguyện vọng trở thành hướng dẫn viên, nhằm đảm bảo việc chấp hành nghiêm túc những quy định về hướng dẫn viên trong Luật Du lịch.

 

Do vậy, việc nghiên cứu, xây dựng một chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn làm cơ sở cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hướng dẫn viên biên soạn, phát triển các giáo trình cụ thể, chi tiết phục vụ cho công tác giảng dạy, nhằm hình thành một mặt bằng kiến thức chung cho hướng dẫn viên trên toàn quốc là hết sức cần thiết, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.

           

Mục tiêu nghiên cứu:

 

Tạo điều kiện thuận lợi cho việc trang bị kiến thức nghiệp vụ để cấp thẻ hành nghề cho hướng dẫn viên, góp phần nâng cao trình độ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch Việt Nam, đáp ứng nhu cầu về hướng dẫn viên của thị trường.

 

Phạm vi nghiên cứu của đề tài:
           

- Giới hạn đối tượng nghiên cứu: chương trình đào tạo ngắn hạn (bồi dưỡng) nghiệp vụ hướng dẫn du lịch cho những người không được đào tạo chính qui về hướng dẫn du lịch theo quy định của Luật Du lịch.

- Giới hạn thời gian nghiên cứu: thực trạng 5 năm gần đây và đề xuất cho 5 năm tới.

 

Phương pháp nghiên cứu:

- Phương pháp thống kê

- Phương pháp phân tích hệ thống

- Phương pháp điều tra xã hội học

- Phương pháp chuyên gia

 

Nội dung nghiên cứu:

- Tìm hiểu các vấn đề lý luận và thực tiễn về giáo dục, dạy nghề và hướng dẫn viên du lịch như: Hệ thống giáo dục quốc dân; Dạy nghề và chương trình dạy nghề; Hướng dẫn viên du lịch và đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hướng dẫn viên du lịch; Tổng quan kinh nghiệm quốc tế về đào tạo ngắn hạn (bồi dưỡng) nghiệp vụ hướng dẫn du lịch cho hướng dẫn viên du lịch và rút ra bài học cho Việt Nam.

 

- Nghiên cứu, phân tích thực trạng đào tạo chính qui hướng dẫn viên du lịch các hệ trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học tại các cơ sở hiện đang đào tạo chính qui chuyên ngành hướng dẫn du lịch các trình độ trên nhằm có được những đánh giá tổng quát, xác thực về chất lượng công tác đào tạo chính qui chuyên ngành hướng dẫn du lịch, tính phù hợp của các chương trình đào tạo chính qui, rút ra các kết luận về những kiến thức, kỹ năng cần thiết của hướng dẫn viên du lịch, áp dụng, đưa các yêu cầu kiến thức, kỹ năng đó vào chương trình đào tạo ngắn hạn (bồi dưỡng) nghiệp vụ hướng dẫn du lịch.

 

- Đánh giá thực trạng việc áp dụng chương trình bồi dưỡng hướng dẫn viên du lịch đã được ban hành trước đây và những yêu cầu đối với chương trình trong tình hình mới. Cơ bản tập trung vào: phân tích, đánh giá thực trạng việc áp dụng các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn du lịch khoá 2 tháng, khoá 4 tháng và khoá 6 tháng tại các cơ sở đào tạo được Tổng cục Du lịch uỷ quyền, kết quả của công tác bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn du lịch tại các cơ sở này thời gian qua.

 

- Đề xuất chương trình khung đào tạo ngắn hạn nghiệp vụ hướng dẫn du lịch phù hợp với yêu cầu của thực tế, xây dựng chương trình chi tiết đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn du lịch các khoá 1 tháng, 2 tháng và 3 tháng cùng các kiến nghị để áp dụng chương trình vào thực tế.

 

Kết quả của đề tài:

 

Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu, đề xuất chương trình mới, áp dụng những qui định của Luật Du lịch về vấn đề bồi dưỡng nghiệp vụ hưỡng dẫn viên du lịch.

 

Luật Du lịch mới ban hành có nhiều điểm mới so với Pháp lệnh Du lịch trước đây. Theo đó, hướng dẫn viên du lịch được chia thành 2 loại là hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa. Những yêu cầu về trình độ của hướng dẫn viên, quy định về bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ hướng dẫn cho hướng dẫn viên có một số thay đổi so với những quy định trước đây. Đối tượng tham gia các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ được mở rộng với kiến thức nền đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, hiện tại, các cơ sở đào tạo vẫn đang đào tạo theo các chương trình cũ do các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Du lịch, qui định cụ thể, chi tiết các yêu cầu trong nhiều lĩnh vực hoạt động của ngành du lịch trong đó có hướng dẫn viên chưa được ban hành chính thức mà chỉ mới được đồng ý về mặt chủ trương.

 

Kết quả nghiên cứu chính của đề tài là đề xuất được chương trình khung và chương trình chi tiết đào tạo ngắn hạn nghiệp vụ hướng dẫn du lịch cho ba nhóm đối tượng cơ bản (khoá 1 tháng, 2 tháng và 3 tháng). Kết quả của đề tài có giá trị thực tiễn cao, có khả năng đưa vào áp dụng ngay trên thực tế đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn du lịch cho hướng dẫn viên trên toàn quốc.



 
 
Nhiệm vụ khoa học công nghệ 2008
  Đơn vị thực hiện: Trung tâm Thông tin du lịch
Bản quyền: Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam
Lưu hành nội bộ