Người sử dụng:
 
  Thoát

Tên đề tài  
Cơ sở khoa học cho việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên giảng dạy nghề và khách sạn trong ngành Du lịch
Đơn vị chủ trì Trường CĐ Du lịch Hà Nội
Năm thực hiện 1998
Chủ nhiệm đề tài TS. Trịnh Xuân Dũng

Tóm tắt nội dung

Tính cấp thiết của đề tài:

Trong ngành dịch vụ, chất lượng nguồn nhân lực đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh, là vũ khí quan trọng trong cuộc cạnh tranh nguồn khách hàng. Chất lượng của nguồn nhân lực phụ thuộc rất lớn vào việc đào tạo và bồi dưỡng, mà đào tạo và bồi dưỡng chất lượng  phụ thuộc rất nhiều vào giáo viên. Giáo viên (giảng dạy lý thuyết cũng như thực hành) không chỉ dạy học sinh học nghề mà còn dạy học sinh biết vận dụng kiến thức đã học trở thành người phục vụ tốt. Người phục vụ  tốt là người không chỉ có nghề nghiệp tinh thông mà đòi hỏi phải có kỹ năng giao tiếp tốt vì họ phải “làm dâu trăm họ” cộng với khả năng sử dụng ngoại ngữ làm công cụ để giao tiếp.

 

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Đảng và Nhà nước đã xác định phải chuyển dịch cơ cấu từ nông - công nghiệp sang dịch vụ, vì vậy việc đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực cho lĩnh vực dịch vụ đóng một vai trò rất quan trọng cho tương lai. Từ năm 1990 trở lại đây, ngành du lịch và ngành khách sạn trên đất nước ta phát triển mạnh mẽ. Số lượt khách du lịch trong nước và nước ngoài hàng năm tăng nhanh. Các cơ sở kinh doanh du lịch, khách sạn, nhà nghỉ nhà trọ, nhà khách, kể cả căn hộ cho thuê bung ra một cách nhanh chóng. Một thời đại “người người làm du lịch, ngành ngành làm du lịch, địa phương làm du lịch và khách sạn” đã làm cho nguồn nhân lực về du lịch và khách sạn bị thiếu một cách trầm trọng. Đứng trước nhu cầu về đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch cấp bách đó, đã đặt ra vấn đề là đội ngũ những người thầy giảng dạy như thế nào để đảm bảo cho chất lượng đào tạo tốt? Phương hướng đào tạo và bồi dưỡng họ ra sao để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn? Đó chính là lý do của việc nghiên cứu đề tài này.

Mục tiêu nghiên cứu:

Xác lập cơ sở khoa học để có những giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề và khách sạn, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ về phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch cụ thể là:

- Nghiên cứu những quan niệm cơ bản về ngành và nghề trong du lịch và khách sạn.

- Vai trò của giáo viên trong đào tạo nghề, cũng như những yêu cầu cơ bản đối với các đối tượng giáo viên này.

- Nghiên cứu thực trạng về đào tạo nguồn nhân lực trong ngành du lịch cũng như hệ thống trường lớp và đội ngũ giáo viên trong đào tạo.

- Đề xuất kiến nghị một số giải pháp trong vấn đề đổi mới đào tạo và bồi dưỡng giáo viên giảng dạy nghề trong du lịch và khách sạn trong thời gian tới.

Phương pháp nghiên cứu:

- Phương pháp tổng hợp và phân tích số liệu.

- Phương pháp mô phỏng.

- Phương pháp phân tích và dự báo.

Phạm vi  và đối tượng nghiên cứu:

- Đề tài tập trung chủ yếu vào việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên giảng dạy nghề du lịch và khách sạn và những vấn đề cơ bản liên quan tới giáo viên.

- Khung thời gian nghiên cứu chủ yếu từ năm 1995 trở lại đây và tập trung chủ yếu vào các trường trung học du lịch và trường nghề.

Các nội dung nghiên cứu chính:

Tổng quan những lý luận cơ bản về ngành và nghề trong du lịch và khách sạn làm cơ sở cho việc phân loại lao động trong lĩnh vực này, xác định các cấp và loại hình đào tạo.

 

Xác định vai trò của giáo viên trong đào tạo nghề, cũng như những yêu cầu cơ bản đối với các đối tượng giáo viên này.

 

Nghiên cứu thực trạng về công tác đào tạo nguồn nhân lực trong ngành du lịch cũng như hệ thống trường lớp và đội ngũ giáo viên trong đào tạo. Xác định nguyên nhân của những hạn chế.

Đề xuất một số giải pháp cần thiết nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên giảng dạy nghề trong du lịch và khách sạn.

Kết quả chính đã đạt được của đề tài:

Góp phần làm rõ khái niệm và những vấn đề lý luận liên quan đến nghề và  ngành trong hoạt động kinh doanh du lịch và khách sạn.

 

Làm rõ hơn vị trí và vai trò của công tác đào tạo nguồn nhân lực, xác định có hệ thống các loại hình trong đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, nhân viên trong ngành.

 

Đánh giá đúng vị trí và yêu cầu đối với đội ngũ giáo viên trong đào tạo nghề và bước đầu đã đánh giá được thực trạng về đội ngũ và chất lượng của đội ngũ này.

 

Căn cứ vào những cơ sở lý luận và thực tiễn đạt được, đề tài đã đề xuất được các biện pháp và hình thức đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên giảng dạy nghề trong lĩnh vực du lịch và khách sạn, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển chung của Ngành.

Khả năng ứng dụng thực tế:

- Là tài liệu tham khảo quan trọng để triển khai thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành.

- Là căn cứ cho việc xây dựng các kế hoạch, biện pháp xây dựng đội ngũ giáo viên nghề có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của công tác đào tạo phát triển ngành.

Địa chỉ ứng dụng:

- Các cơ quan hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý Nhà nước về nguồn nhân lực du lịch.

- Các cơ sở đào tạo nghề trong ngành du lịch và những ngành có liên quan.

 

 

 

 

Ghi chú:

Đơn vị chủ trì:

 

Trường THNV Du lịch Hà Nội (Trường CĐ Du lịch Hà Nội)



 
 
Nhiệm vụ khoa học công nghệ 2008
  Đơn vị thực hiện: Trung tâm Thông tin du lịch
Bản quyền: Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam
Lưu hành nội bộ