Người sử dụng:
 
  Thoát

Tên đề tài  
Khảo sát đánh giá về tài nguyên du lịch sinh thái ở Thừa Thiên - Huế và đề xuất một số phương hướng, giải pháp để phát triển du lịch sinh thái trong thời gian tới
Đơn vị chủ trì Văn phòng TCDL tại miền Trung
Năm thực hiện 2000
Chủ nhiệm đề tài Cử nhân: Hồ Việt

Tóm tắt nội dung

Tính cấp thiết của đề tài:

Du lịch sinh thái ngày nay đã và đang phát triển nhanh chóng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Sự phát triển du lịch sinh thái sẽ mang lại những lợi ích to lớn về kinh tế góp phần làm tăng thu nhập quốc gia, tạo nhiều cơ hội về việc làm, cải thiện đời sống, giảm đói nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư các địa phương, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, nơi có các khu bảo tồn thiên nhiên, các cảnh quan thiên nhiên và di tích văn hoá hấp dẫn. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, phát triển du lịch sinh thái còn là một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và bản sắc văn hoá dân tộc, văn hoá cộng đồng thông qua các hoạt động giáo dục, tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ các giá trị tài nguyên văn hoá, lịch sử.

Thừa Thiên Huế là một tỉnh có tiềm năng du lịch sinh thái rất lớn nhờ địa hình độc đáo, điều kiện tự nhiên đa dạng, phong phú. Mặc dù vậy, cho đến nay, việc đầu tư khai thác phát triển các loại hình du lịch sinh thái ở tỉnh vẫn còn hạn chế. Hoạt động du lịch ở đây vẫn chưa mang tính đầy đủ, đặc trưng của du lịch sinh thái. Các điểm du lịch mới chỉ dừng lại ở việc khai thác phục vụ du lịch tự nhiên, du lịch ồ ạt - đám đông và bắt đầu bộc lộ một số tác động xấu đến môi trường cảnh quan... Nguyên nhân là do quy mô đầu tư còn nhỏ, thiếu quy hoạch, chưa đồng bộ; đội ngũ cán bộ quản lý chưa nhận thức đầy đủ về du lịch sinh thái; chưa tiến hành khảo sát, đánh giá một cách kỹ lưỡng và toàn diện về tài nguyên du lịch tự nhiên cũng như các điều kiện khác để phát lriển du lịch sinh thái.

Vì vậy, việc nghiên cứu để tìm ra phương hướng phát triển du lịch sinh thái tại Thừa Thiên Huế là rất cần thiết.

 

Mục tiêu nghiên cứu:

Xác lập cơ sở khoa học để phát triển một loại sản phẩm du lịch đặc sắc, góp phần đảm bảo phát triển du lịch bền vững và thực hiện chiến lược phát triển du lịch Việt Nam ở khu vực miền Trung nói chung, Thừa Thiên - Huế nói riêng.

 

Phạm vi nghiên cứu:

Tập trung bàn luận chung quanh vấn đề phát triển du lịch sinh thái tự nhiên.

 

Các nội dung nghiên cứu chính:

- Một số vấn đề cơ bản về du lịch sinh thái

·         Khái niệm, đặc trưng, nguyên tắc cơ bản về du lịch sinh thái

·         Những vấn đề có liên quan đến phát triển du lịch sinh thái bền vững

·         Xác định giá trị của các tài nguyên du lịch

- Khảo sát đánh giá các tài nguyên du lịch sinh thái tỉnh Thừa Thiên Huế

·         Đặc điểm chung về tỉnh Thừa Thiên Huế

·         Giới thiệu về tài nguyên du lịch sinh thái tỉnh Thừa Thiên Huế

·         Kết quả đánh giá giá trị các tài nguyên du lịch tự nhiên ở Thừa Thiên Huế

- Hiện trạng phát triển du lịch sinh thái tỉnh Thừa Thiên Huế

·         Thực trạng phát triển du lịch tại Thừa Thiên Huế trong thời gian qua (1996 – 2000)

·         Hiện trạng phát triển du lịch sinh thái ở tỉnh Thừa Thiên Huế

- Định hướng phát triển du lịch sinh thái tại Thừa Thiên Huế

·         Định hướng phát triển du lịch sinh thái tại Thừa Thiên Huế trong những năm tới

·         Định hướng phát triển du lịch sinh thái ở vườn quốc gia Bạch Mã

·         Định hướng phát triển du lịch sinh thái đầm phá Tam Giang – Cầu Hai

 

Kết quả chính đã đạt được của đề tài:

- Đã tổng quan được những vấn đề lý luận cơ bản về du lịch sinh thái bao gồm: khái niệm; những nguyên tắc của du lịch sinh thái; các điều kiện cần để phát triển du lịch sinh thái.v.v...

 

- Đã đánh giá được những tiềm năng tài nguyên du lịch sinh thái chính ở tỉnh Thừa Thiên - Huế gồm:

 

§         Hệ sinh thái biển, đầm phá, sông, hồ.

§         Hệ sinh thái núi cao và vùng gò đồi

§         Hệ sinh thái nông trại.

§         Các giá trị nhân văn bản địa của cộng đồng

 

- Bước đầu đã phân tích được thực trạng phát triển du lịch nói chung và phát triển du lịch sinh thái nói riêng ở Thừa Thiên - Huế.

 

- Đã xác định được một số nguyên nhân cơ bản hạn chế phát triển du lịch sinh thái ở Thừa Thiên - Huế và những khó khăn thách thức mà ngành du lịch Thừa Thiên - Huế cần phải giải quyết, để đạt được mục tiêu phát triển du lịch bền vững trong thời gian tới.

 

- Đã đề xuất được phương hướng phát triển (các sản phẩm du lịch sinh thái chính) và giải pháp phát triển du lịch sinh thái ở Thừa Thiên - Huế. Đặc biệt đã đề xuất được một số tuyến du lịch sinh thái ở vườn quốc gia Bạch Mã, đầm phá Tam Giang.

 

Khả năng ứng dụng thực tế:

- Góp phần phát triển một số vấn đề lý luận về du lịch sinh thái thông qua thực tiễn hoạt động ở Thừa Thiên - Huế.    

- Là tài liệu tham khảo quan trọng để xây dựng một số tuyến, tour du lịch sinh thái cụ thể ở Thừa Thiên - Huế.

 

Địa chỉ ứng dụng:

- Các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch

- UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế

- Các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là doanh nghiệp lữ hành ở khu vực miền Trung.

           - Các cơ quan nghiên cứu phát triển du lịch.



 
 
Nhiệm vụ khoa học công nghệ 2008
  Đơn vị thực hiện: Trung tâm Thông tin du lịch
Bản quyền: Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam
Lưu hành nội bộ