Người sử dụng:
 
  Thoát

Tên đề tài  
Cơ sở khoa học xác định tổ chức hệ thống khách sạn theo lãnh thổ
Đơn vị chủ trì Viện nghiên cứu phát triển du lịch
Năm thực hiện 1997
Chủ nhiệm đề tài PTS. Phạm Trung Lương

Tóm tắt nội dung

Tính cấp thiết của vấn đề:

            Cùng với sự gia tăng nhanh về số lượng khách du lịch, thời gian qua hệ thống lưu trú, đặc biệt là hệ thống khách sạn trên phạm vi cả nước cũng phát triển nhanh chóng. Bên cạnh những đóng góp tích cực của hệ thống khách sạn đối với sự phát triển của ngành, thoả mãn nhu cầu lưu trú của du khách, sự phát triển còn thiếu cơ sở khoa học của hệ thống khách sạn Việt Nam thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả kinh doanh, làm nảy sinh những hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh ở nhiều địa phương trong cả nước.

 

           Đứng trước tình hình trên, việc tiến hành nghiên cứu đánh giá đúng thực trạng phát triển hệ thống khách sạn Việt Nam và xác lập cơ sở khoa học cho việc định hướng tổ chức hệ thống khách sạn theo lãnh thổ là một yêu cầu cấp bách. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần vào việc tổ chức hợp lý hơn hệ thống khách sạn trên phạm vi cả nước, nâng cao hiệu quả và tạo môi trường lành mạnh trong kinh doanh khách sạn, đảm bảo sự phát triển bền vững của hoạt động khách sạn nói riêng và hoạt động du lịch nói chung ở Việt Nam.

 

Mục tiêu nghiên cứu:

Xác lập những luận cứ khoa học nhằm phát triển có hiệu quả hệ thống khách sạn Việt Nam theo các vùng lãnh thổ trong một thể thống nhất.

 

Phạm vi nghiên cứu:

- Trong khuôn khổ nghiên cứu của đề tài, đối tượng nghiên cứu chỉ giới hạn là khách sạn. Tuy nhiên đối tượng nghiên cứu "khách sạn" ở đây được hiểu rộng hơn bao gồm cả làng du lịch và biệt thự cho thuê.

- Đặc tính nghiên cứu của đối tượng:

Số lượng phòng khách sạn (không phân biệt phòng 1 giường, 2 giường hoặc căn hộ khép kín)

Chất lượng phòng khách sạn: phòng xếp hạng (l - 5 sao) và phòng chưa đủ tiêu chuẩn xếp hạng.

         - Đặc điểm lãnh thổ: việc nghiên cứu hệ thống khách sạn chỉ giới hạn ở mạng lưới khách sạn tại các trung tâm vùng du lịch (Hà Nội, Huế, và thành phố Hồ Chí Minh), các trung tâm tiểu vùng du lịch và một số trọng điểm du lịch (hoặc một số nhóm địa phương).

- Thời gian nghiên cứu:

           Thời gian nghiên cứu đánh giá hiện trạng: từ năm 1991 đến 1998.

           Thời gian nghiên cứu dự báo phát triển: đến năm 2010 và định hướng đến 2020.

 

Phương pháp nghiên cứu: các phương pháp nghiên cứu chủ yếu được sử dụng trong quá trình thực hiện đề tài bao gồm:

           - Phương pháp phân tích tổng hợp và nghiên cứu hệ thống

           - Phương pháp toán thống kê và thống kê du lịch

           - Phương pháp điều tra thực địa

           - Phương pháp dự báo

           - Phương pháp chuyên gia

 

 Các nội dung nghiên cứu chính:

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống khách sạn Việt Nam làm cơ sở cho những phân tích nghiên cứu của đề tài và cho những nghiên cứu có liên quan.

- Đánh giá hiện trạng phát triển hệ thống khách sạn Việt Nam theo lãnh thổ, đặc biệt đối với các trung tâm vùng, tiểu vùng du lịch (thời kỳ 1991 - 1998). Các yếu tố hiện trạng chủ yếu được nghiên cứu bao gồm: số lượng, chất lượng, các dịch vụ trong khách sạn, v.v.. Việc phân tích đánh giá các yếu tố trên gắn liền với hiện trạng khách du lịch.

- Xác định mối quan hệ “cung - cầu” trong hoạt động khách sạn làm căn cứ cho việc đánh giá thực trạng giữa việc phát triển hệ thống khách sạn và nhu cầu sử dụng chúng ở Việt Nam.

- Phân tích tính hợp lý và bất hợp lý của sự phân bố hệ thống khách sạn theo lãnh thổ.

- Nghiên cứu dự báo thị trường khách Việt Nam theo lãnh thổ để trên cơ sở đó xác lập nhu cầu về hệ thống các cơ sở lưu trú.

- Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển và kinh doanh có hiệu quả hệ thống khách sạn du lịch Việt Nam.

 

Kết quả chính đã đạt được của đề tài:

- Hệ thống hoá được các vấn đề lý luận và thực tiễn phát triển hệ thống khách sạn du lịch theo lãnh thổ ở Việt Nam.

- Xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu về hệ thống khách sạn du lịch theo lãnh thổ ở Việt Nam.

- Đánh giá, phân tích toàn diện sự phát triển của hệ thống khách sạn du lịch Việt Nam theo lãnh thổ; đồng thời phân tích sự phát triển của các thị trường du lịch chủ yếu. Trên cơ sở đó phân tích tính hợp lý (hoặc không hợp lý) về sự phân bố, cũng như chất lượng của hệ thống khách sạn hiện nay.

- Nghiên cứu và dự báo xu hướng phát triển của các thị trường du lịch trong tương lai theo lãnh thổ và nhu cầu lưu trú của các thị trường này. Trên cơ sở đó xác định được nhu cầu phát triển của hệ thống khách sạn du lịch theo lãnh thổ, xác định được nhu cầu đầu tư phát triển.

- Đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm đầu tư xây dựng và kinh doanh có hiệu quả của hệ thống khách sạn Việt Nam theo lãnh thổ.

 

Khả năng ứng dụng thực tế: Là căn cứ để xây dựng các kế hoạch dài hạn, trung hạn phát triển hệ thống khách sạn ở các vùng lãnh thổ khác nhau.

 

Có giá trị tham khảo quan trọng trong việc hoạch định chiến lược phát triển cơ sở vật chất ngành du lịch theo các vùng lãnh thổ trong một thể thống nhất, góp phần tăng cường hiệu quả đầu tư và kinh doanh của hệ thống khách sạn Việt Nam.

 

Địa chỉ ứng dụng:

- Các cơ quan hoạch định chính sách chiến lược, các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch.

- UBND các địa phương, đặc biệt ở các vùng trọng điểm phát triển du lịch đã được xác định theo quy hoạch.

- Các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong lĩnh vực khách sạn.

            - Các cơ quan nghiên cứu về du lịch.

 



 
 
Nhiệm vụ khoa học công nghệ 2008
  Đơn vị thực hiện: Trung tâm Thông tin du lịch
Bản quyền: Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam
Lưu hành nội bộ