Người sử dụng:
 
  Thoát

Tên đề tài  
Cơ sở khoa học và giải pháp khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch tại Bắc trung bộ bằng tour du lịch “Con đường di sản văn hóa thế giới”
Đơn vị chủ trì Văn phòng TCDL tại miền Trung
Năm thực hiện 2002
Chủ nhiệm đề tài TS. Hồ Công Dũng

Tóm tắt nội dung

Tính cấp thiết của đề tài:

Miền Trung – Tây Nguyên, mảnh đất giàu tiềm năng du lịch; tại đây có thể phát triển phong phú các loại hình du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, biển, núi… Miền Trung có nhiều bãi biển đẹp, các khu nghỉ mát nổi tiếng, văn hóa Tây nguyên luôn là niềm đam mê, khám phá của du khách bốn phương. Đặc biệt, miền Trung với bốn di sản văn hóa thế giới, đó là khu tháp cổ Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, Cố đô Huế và Phong Nha – Kẻ Bàng sẽ được UNESCO công nhận. Đây là một tiềm năng vô cùng to lớn và quý giá để du lịch khu vực miền Trung phát triển.

Tuy du lịch miền Trung trong thời gian qua đã có những bước phát triển nhất định, song kết quả kinh doanh du lịch của các tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của mình. Nếu so sánh mức độ tăng về mặt tỷ trọng của các chỉ tiêu: doanh thu, lượt khách, ngày khách với hai đầu đất nước thì miền Trung còn thấp.

Với mong muốn thúc đẩy du lịch Việt Nam nói chung, du lịch miền Trung nói riêng phát triển hơn nữa, trên cơ sở tiềm năng thiên nhiên, văn hóa, lịch sử của mình. Đề tài đã được thực hiện dựa trên nền tảng cơ sở lý luận và thực tiễn, tìm ra các giải pháp hợp lý bằng tour du lịch “Con đường di sản thế giới”, nhằm tạo ra hiệu quả kinh doanh hơn hẳn cho mỗi đơn vị, mỗi địa phương, góp phần phát triển du lịch bền vững và kinh tế - xã hội cho mỗi địa phương và cả vùng.

Mục tiêu đề tài:

Đề tài đi sâu phân tích đánh giá thực trạng khai thác tuyến điểm du lịch miền Trung. Rút ra những ưu, nhược điểm trong khai thác tuyến điểm du lịch làm tiền đề cho giải pháp khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch miền Trung bằng tour du lịch “Con đường di sản thế giới. Định ra một hướng đi, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình vùng hóa ngành du lịch miền Trung – Tây Nguyên, tăng hiệu quả kinh doanh, tăng thu nhập xã hội và nâng cao đời sống cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng dân cư ở vùng sâu, vùng xa nơi đề tài sẽ thực hiện.

Nội dung đề tài:

Có thể nói hoạt động kinh doanh du lịch của các tỉnh miền Trung đang còn nhỏ, lẻ. Thiếu sự đầu tư cho các khu, điểm du lịch, đặc biệt là thiếu sự liên doanh, liên kết để cùng nhau hưởng lợi. Đề tài đi sâu vào phân tích tình hình phát triển du lịch của 3 địa phương trong vùng nghiên cứu, nhấn mạnh vai trò và thực trạng kinh doanh tuyến điểm du lịch các di sản văn hóa thế giới của vùng nhằm làm rõ sự cần thiết phải có các giải pháp thích hợp. Đề tài làm rõ giá trị cơ bản của các di sản văn hoá. Phân tích thực trạng tình hình khai thác các di sản trong lĩnh vực phục vụ du lịch. Đề ra những hạn chế khi khai thác các di sản một cách độc lập, thiếu sự liên kết thành một tour chung, chỉ ra những nguyên nhân của tình trạng trên, đưa ra phương hướng và giải pháp tối ưu. Đồng thời, đề tài đã khái quát hóa lý luận về tour du lịch con đường chủ đề trong việc khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của một vùng. Định hướng phát triển tour du lịch con đường chủ đề trên địa bàn các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam.

Kết quả đề tài:

Ý nghĩa khoa học: Đây là đề tài nghiên cứu dưới góc độ phục vụ phát triển du lịch. Đề tài được thực hiện bởi sự cộng tác của các nhà quản lý, kinh doanh du lịch giỏi, mang ý nghĩa thực tế, thiết thực. Đặc biệt đưa việc tổ chức khai thác du lịch lên một quy trình công nghệ mới, tiếp cận với trình độ khu vực và thế giới. Việc tổ chức tour “Con đường di sản thế giới” sẽ tăng cường sự liên doanh, liên kết giữa các đơn vị kinh doanh trong ngành và ngoài ngành du lịch. Đặc biệt, hoạt động kinh doanh du lịch trên “Con đường di sản thế giới” sẽ lôi kéo được cộng đồng dân cư cùng tham gia trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh xã hội tại các điểm du lịch.

Hiệu quả kinh tế và xã hội: Đưa một hình ảnh chung rõ nét về vùng du lịch Bắc Trung bộ đến các thị trường gửi khách trọng điểm mà trước kia nỗ lực hoạt động của từng doanh nghiệp thường ít hiệu quả. Việc liên kết các địa phương, các điểm tham quan riêng lẻ trong một mạng lưới du lịch thống nhất, một chương trình quảng bá chung sẽ khiến du khách trước kia đến Huế, Hội An sẽ kéo dài thêm thời gian lưu trú và sẽ ghé đến các điểm du lịch khác mà từ trước đến nay ít thu hút du khách như: Lăng Cô, Bạch Mã, Bà Nà, Ngũ Hành Sơn.

Khi tour “Con đường di sản thế giới” hình thành, việc cam kết trong giữ vững chất lượng, hợp tác nhau trong đào tạo được hình thành, chất lượng phục vụ nâng cao, kích thích sự chi tiêu của du khách. “Con đường di sản thế giới” sẽ đoàn kết được cộng đồng qua việc đưa ra định hướng chung và làm cho người dân tự hào với các tài nguyên du lịch miền Trung Việt Nam. Từ đó, lôi cuốn người dân cùng làm du lịch, nâng cao đời sống bản thân và gia đình.

Qua hoạt động của “Con đường di sản thế giới”, Chính phủ sẽ tin tưởng và mạnh dạn hỗ trợ Ngân sách trong việc phát triển các sản phẩm du lịch và chấp thuận các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng. “Con đường di sản” sẽ thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các dự án liên quan đến du lịch như các khu nghỉ mát, các cơ sở vui chơi giải trí, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh chung về Việt Nam đến các nước trên thế giới. Đặc biệt “Con đường di sản thế giới” sẽ góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, biển, quần thể động thực vật, các khu di tích văn hóa lịch sử, khắc phục vấn đề ô nhiễm môi trường thông qua chương trình phát triển du lịch bền vững.

Địa chỉ ứng dụng kết quả đề tài :

Các địa phương sẽ ứng dụng kết quả nghiên cứu trong thời gian đầu: Tỉnh Thừa Thiên - Huế; thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

Tính sáng tạo và tính đột phá của đề tài:

 “Con đường di sản thế giới” là con đường đi đến tương lai phát triển. Với tiềm năng du lịch của mình, mỗi địa phương có cơ hội nắm bắt, phát triển thế mạnh để hoạt động kinh doanh du lịch ngày càng có hiệu quả, góp phần đưa du lịch thành kinh tế mũi nhọn. Sự kết nối của các di sản và sự khai mở của con đường di sản miền Trung đem lại những triển vọng để phát triển du lịch, vì lợi ích chung của khu vực nói riêng và Việt Nam nói chung.



 
 
Nhiệm vụ khoa học công nghệ 2008
  Đơn vị thực hiện: Trung tâm Thông tin du lịch
Bản quyền: Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam
Lưu hành nội bộ