Người sử dụng:
 
  Thoát

Tên đề tài  
Cơ sở khoa học xây dựng hệ thống chỉ tiêu môi trường cho hoạt động du lịch biển Việt Nam
Đơn vị chủ trì Viện nghiên cứu phát triển du lịch
Năm thực hiện 2001
Chủ nhiệm đề tài TS. Đỗ Thị Thanh Hoa

Tóm tắt nội dung

Tính cấp thiết của đề tài:

 

Du lịch biển là thế mạnh của du lịch Việt Nam. Với hơn 3.200km đường bờ biển, tạo nên chủ quyền trên diện tích hơn 1 triệu km2 vùng biển tính từ đường cơ sở ra đến 200 hải lý, hàng trăm bãi tắm lớn nhỏ, các hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình và hàng ngàn hòn đảo ven hờ, vũng vịnh đẹp... tạo cho Việt Nam có tiềm năng to lớn trong phát triển kinh tế biển trong đó có du lịch.

 

Hoạt động du lịch biển diễn ra sôi động đem lại nhiều hiệu quả tích cực nhưng cũng không ít tác động tiêu cực cho môi trường và chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân c­ư ven biển, ảnh hưởng đến khách du lịch. Ở nhiều nơi, hoạt động du lịch là nguy cơ suy giảm chất lượng nước biển, tài nguyên đất ven biển, suy giảm tính đa dạng sinh học, phá huỷ môi trường tự nhiên... Nhất là trong khi Việt Nam lại chư­a có những quy định, tiêu chuẩn mang tính pháp luật để quản lý, giảm thiểu các tác động này.

 

Để đảm bảo phát triển du lịch bền vững, giữ gìn và cải thiện môi trường nhất là môi trường cho hoạt động du lịch biển - một hướng phát triển chiến lược của du lịch Việt Nam, việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn môi trường cho hoạt động du lịch biển Việt Nam là một việc làm hết sức cần thiết, từ đó có cơ sở pháp lý cho xây dựng, tổ chức các khu, điểm du lịch biển, xây dựng các quy định quốc gia mà các thành phần tham gia hoạt động này phải tuân thủ và là công cụ thiết yếu cho các cơ quản quản lý môi trường du lịch đồng thời cũng là một hoạt động nhằm triển khai thực hiện luật bảo vệ môi trường Việt Nam.

 

Mục tiêu và phạm vi nghiên cứu của đề tài:

 

Xác lập cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng hệ thống chỉ tiêu môi trường cho hoạt động du lịch biển Việt Nam.

 

Bước đầu đề xuất khung chỉ tiêu môi trường cho hoạt động du lịch biển ở Việt Nam (theo 2 hướng quản lý: các chỉ tiêu môi trường cho tổ chức hoạt động du lịch và chỉ tiêu chất lượng môi trường quản lý hoạt động du lịch).

 

Do vấn đề nghiên cứu rất phức tạp, đề tài có giới hạn nghiên cứu:

- Về không gian: Nghiên cứu tại một số điểm du lịch biển điển hình.

- Về đối tượng nghiên cứu: tập trung vào một số yếu tố cơ bản chất lượng môi trường nước, môi trường sinh thái biển, môi trường không khí và điều kiện môi trường biển có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và điều kiện tổ chức các hoạt động du lịch biển chính.

 

Phương pháp nghiên cứu:

- Phương pháp tổng hợp, phân tích số liệu, tài liệu.

- Phương pháp khảo sát thực địa.

- Phương pháp điều tra xã hội học.

- Phương pháp ma trận.

- Phương pháp lấy ý kiến chuyên gia.

 

Nội dung đề tài:

- Phân tích cơ sở lý luận xây dựng hệ thống chỉ tiêu môi trường cho hoạt động du lịch biển.

- Tổng quan kinh nghiệm xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng môi trường nói chung, môi trường biển ở Việt Nam, ở một số nước trong khu vực và trên thế giới.

- Bước đầu đề xuất khung hệ thống các chỉ tiêu môi trường cho một số hoạt động du lịch biển chính ở Việt Nam

- Về tiêu chuẩn xây dựng: các chỉ tiêu được xây dựng căn cứ theo các nhóm tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam hiện nay, tập trung nghiên cứu chính tiêu chuẩn môi trường xung quanh và một phần về tiêu chuẩn thải. Các chỉ tiêu được đề xuất phải đảm bảo nguyên tắc đúng đắn về mặt khoa học, có tính chất tiêu biểu, đáp ứng được những thay đổi của môi trường, chỉ ra được các giá trị ngưỡng và có khả năng so sánh, dễ hiểu.

 

Kết quả đề tài:

 

Đã đề xuất được các tiêu chuẩn riêng, chuyên ngành đối với các thông số chất lượng môi trường, điều kiện môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động du lịch, vui chơi giải trí trên biển (phân theo 2 nhóm cơ bản: các hoạt động tiếp xúc trực tiếp với nước biển và các hoạt động không tiếp xúc trực tiếp với nước biển) đã được xác lập như tắm biển, thể thao lướt sóng, lặn biển (có ống thở, bình khí hoặc bằng các phương tiện lặn), tham quan, thuyền buồm, câu cá… và khung các tiêu chuẩn khống chế tác động tiêu cực từ hoạt động du lịch tới môi trường.

 

Tuy nhiên, những tiêu chuẩn này chủ yếu vẫn được xây dựng dựa vào việc tham khảo, kế thừa có chọn lọc các kết quả nghiên cứu của các quốc gia khác, đặc biệt các nước trong khu vực có các điều kiện về tự nhiên, kinh tế xã hội trên nguyên tắc bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khoẻ cho du khách tham gia hoạt động du lịch biển.

 

Do đặc thù của hoạt động du lịch biển, các chỉ tiêu môi trường được đề xuất tập trung chủ yếu vào môi trường nước biển, các hệ sinh thái biển.

 

Để các chỉ tiêu trên có thể ứng dụng thực tiễn trong công tác quản lý, tổ chức hoạt động du lịch biển nhóm tác giả của đề tài kiến nghị Tổng cục Du lịch cần phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn đo lư­ờng chất lượng Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường để có những nghiên cứu tiếp theo, thực nghiệm, kiểm chứng, đo đạc chính xác, tiêu chuẩn hoá để xây dựng hệ thống tiêu chuẩn môi trường du lịch biển Việt Nam cũng như hệ thống tiêu chuẩn môi trường cho hoạt động du lịch, góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ quản lý và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

 

Địa chỉ ứng dụng kết quả đề tài:

 

§     Các cơ quan quản lý hoạt động du lịch các cấp từ Trung ương đến địa phương (phòng chuyên trách về môi trường).

§     Cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

§     Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng.



 
 
Nhiệm vụ khoa học công nghệ 2008
  Đơn vị thực hiện: Trung tâm Thông tin du lịch
Bản quyền: Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam
Lưu hành nội bộ