Người sử dụng:
 
  Thoát

Tên đề tài  
Cơ sở khoa học tổ chức không gian Kiến trúc cảnh quan các khu du lịch đảo ven bờ Đông Bắc trên quan điểm phát triển bền vững
Đơn vị chủ trì Viện nghiên cứu phát triển du lịch
Năm thực hiện 2001
Chủ nhiệm đề tài Th.S. KTS. Nguyễn Thu Hạnh

Tóm tắt nội dung

Tính cấp thiết của đề tài  nghiên cứu:

       Vùng biển Việt Nam có một hệ thống đảo ven bờ rất phong phú, trong đó vùng biển đảo ven bờ Đông Bắc thuộc tỉnh Quảng Ninh là một trong những vùng biển đảo có giá trị cảnh quan đặc sắc nhất của đất nước, đang là một trong những khu vực có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch.

       Trong những năm gần đây, khu vực Vịnh Hạ Long - Cát Bà đã trở thành một trong những nơi hấp dẫn khách du lịch lớn nhất trong hệ thống các điểm du lịch trên toàn quốc. Số lượng khách du lịch tăng vọt từ 500.000 khách năm 1995 lên hơn 2 triệu lượt khách năm 2001. Đây là một nguồn lợi lớn đóng góp vào việc tăng trưởng kinh tế của đất nước.

       Tuy nhiên việc khai thác du lịch trên vùng biển đảo Đông Bắc cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Hiện chưa có những nghiên cứu toàn diện, sâu sắc các giá trị của tiềm năng phát triển du lịch trong khu vực, đặc biệt là hệ thống các giá trị cảnh quan, một trong những thành phần quan trọng tạo nên tính hấp dẫn của vùng di sản thiên nhiên này. Việc khai thác du lịch đang diễn ra một cách manh mún. Đã có dấu hiệu của sự khai thác tràn lan, quá mức, làm mất đi những nét hấp dẫn đặc trưng của khu vực.

       Chính vì vậy, việc nghiên cứu các cơ sở khoa học để tổ chức kiến trúc cảnh quan các đảo du lịch ven bờ Đông Bắc là việc làm cấp thiết nhằm đưa ra những định hướng về chính sách và giải pháp tổ chức kiến trúc cảnh quan hợp lý phục vụ cho việc phát triển du lịch mang tính bền vững ở khía cạnh cảnh quan môi trường.

Mục tiêu và phạm vi nghiên cứu của đề tài:

Mục tiêu nghiên cứu:

- Nhằm đưa ra những định hướng về chính sách và giải pháp tổ chức kiến trúc cảnh quan hợp lý phục vụ cho việc phát triển du lịch mang tính bền vững ở khía cạnh cảnh quan môi trường.

- Nhằm đề xuất những nguyên tắc và giải pháp tổ chức kiến trúc cảnh quan làm tiền đề cho việc hoạch định các chính sách khai thác và quản lý cảnh quan trong khu vực đảo ven bờ Đông Bắc.

- Bổ sung thêm vào hệ thống lý luận kiến trúc cảnh quan còn chưa hoàn chỉnh.

Phạm vi nghiên cứu:

- Về không gian: Nghiên cứu việc tổ chức kiến trúc cảnh quan trong không gian tổng thể vùng du lịch đảo ven bờ Đông Bắc và các đảo du lịch (bao gồm các đảo du lịch trung tâm và các đảo du lịch vệ tinh). Giới hạn trong một số đảo có tiềm năng du lịch nổi trội và có thể làm ví dụ điển hình cho các đảo còn lại.

- Về thời gian: Nghiên cứu trong bối cảnh kinh tế xã hội giai đoạn 2000 - 2020.

- Về vấn đề nghiên cứu: Các yếu tố có liên quan trực tiếp đến các yêu cầu về công năng, thẩm mỹ, môi trường ảnh hưởng đến việc tổ chức kiến trúc cảnh quan đảo. 

Phương pháp nghiên cứu:

-          Phương pháp khảo sát thực địa

-          Phương pháp điều tra xã hội học

-          Phương pháp bản đồ

-          Phương pháp dự báo

-          Phương pháp phân tích - tổng hợp

-          Phương pháp ma trận mục tiêu 

Nội dung đề tài:

- Tổng hợp các khái niệm đã có và xây dựng thêm một số khái niệm mới, bổ sung vào hệ thống lý thuyết kiến trúc cảnh quan còn chưa hoàn chỉnh.

- Đánh giá, tổng kết hiện trạng tổ chức kiến trúc cảnh quan các đảo du lịch ven bờ trên thế giới và Việt Nam. Rút ra những kinh nghiệm quí báu cho việc tổ chức kiến trúc cảnh quan đảo ven bờ trong thời gian tới.

- Nghiên cứu tổng hợp đầy đủ các cơ sở khoa học có liên quan đến các yêu cầu về công năng, thẩm mỹ, môi trường, kinh tế,... đối với tổ chức kiến trúc cảnh quan các đảo du lịch ven bờ Đông Bắc.

- Đề xuất được hệ thống phân vùng cảnh quan các đảo du lịch ven bờ Đông Bắc, làm tiền đề cho việc xây dựng chiến lược khai thác cảnh quan tổng thể.

- Đề xuất được nguyên tắc và giải pháp tổ chức kiến trúc cảnh quan tổng thể đối với hệ thống đảo ven bờ Đông Bắc.

- Đề xuất được nguyên tắc và giải pháp tổ chức kiến trúc cảnh quan đối với các đảo du lịch chức năng.

Kết quả đề tài:

      Kết quả của công trình nghiên cứu không chỉ là những đóng góp tốt cho thực tế mà còn là những bổ sung quí báu cho công tác nghiên cứu lý luận về kiến trúc cảnh quan, một lĩnh vực nghiên cứu còn mới mẻ đối với Việt Nam.

      Những đề xuất của nhóm tác giả được sử dụng tại các cơ quan:

      UBND thành phố Hải Phòng và UBND Tỉnh Quảng Ninh: ứng dụng kết quả nghiên cứu vào việc ban hành chính sách, luật lệ quản lý khai thác cảnh quan các đảo du lịch ven bờ.

      Ban Quản lý Di sản Hạ Long, Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long và Ban Quản lý Vườn Quốc gia Cát Bà: ứng dụng kết quả nghiên cứu vào việc quản lý khai thác tài nguyên cảnh quan các đảo du lịch ven bờ trong khu vực quản lý.

      Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) và Viện Qui hoạch Đô thị và Nông thôn (Bộ Xây dựng): ứng dụng kết quả nghiên cứu trong công tác qui hoạch thiết kế kiến trúc cảnh quan các đảo du lịch ven bờ.

      Trường đại học Kiến trúc: ứng dụng kết quả nghiên cứu trong công tác giảng dạy lý thuyết về kiến trúc cảnh quan.



 
 
Nhiệm vụ khoa học công nghệ 2008
  Đơn vị thực hiện: Trung tâm Thông tin du lịch
Bản quyền: Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam
Lưu hành nội bộ