Người sử dụng:
 
  Thoát

Tên đề tài  
Ứng dụng hệ thống tài khoản quốc gia trong việc đánh giá vai trò hoạt động kinh doanh du lịch trong nền kinh tế
Đơn vị chủ trì Vụ Tài chính
Năm thực hiện 1996
Chủ nhiệm đề tài CN. Nguyễn Đình Nguyên

Tóm tắt nội dung

Tính cấp thiết của đề tài:

Quản lý kinh tế là yêu cầu khách quan của xã hội loài người từ khi có phân công và hợp tác lao động xã hội. Để quản lý nền kinh tế quốc dân, Nhà nước phải sử dụng một công cụ quan trọng là thông tin. Qua các biểu bảng thống kê với các chỉ tiêu thích hợp, thông tin thống kê phản ánh quá trình chu chuyển nền kinh tế về sản xuất, phân phối và sử dụng sản phẩm xã hội; về thu chi ngân sách, về nguồn và sử dụng các tài nguyên, về sản xuất và thu nhập, về quan hệ kinh tế trong nước, ngoài nước…

Từ nhiều năm trước, nước ta đã vận dụng bảng cân đối kinh tế quốc dân (MPS), là một hệ thống bảng cân đối phản ánh toàn diện quá trình tái sản xuất xã hội. Đây là hệ thống bảng cân đối được áp dụng ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, nó đã thích ứng với nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung. Nhưng ở Việt Nam mới lập được bảng cân đối sản xuất và sử dụng tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân theo sơ đồ rút gọn. Vì vậy việc đánh giá, phân tích nhận thức quá trình tái sản xuất xã hội bị hạn chế.

Việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế kết hợp điều tiết bằng kế hoạch hoá với cơ chế thị trường đòi hỏi chúng ta phải tiếp cận có chọn lọc những kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế và các nước trên thế giới. Trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay đòi hỏi việc tính toán những chỉ tiêu kinh tế tổng hợp phải đảm bảo khả năng so sánh quốc tế. Ngày nay các hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) được áp dụng ở hầu hết các nước (trừ Cu Ba và Bắc Triều Tiên). Hệ thống tài khoản này được xây dựng do nhu cầu phân tích một cách tổng hợp toàn bộ các hoạt động kinh tế trong một nền kinh tế và theo ngôn ngữ của các nhà kinh tế là phân tích vĩ mô nền kinh tế. Vì vậy việc nghiên cứu ứng dụng SNA vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam là vấn đề thiết thực với công tác quản lý kinh tế vĩ mô trong điều kiện hoạt động của một nền kinh tế mở.

Mục tiêu: Nhằm làm rõ vai trò, ý nghĩa của công cụ phản ánh tầm vóc, quy mô một ngành kinh tế so với các ngành kinh tế khác trong nước và với các ngành du lịch các nước khác, đó là các chỉ tiêu thuộc hệ thống tài khoản quốc gia đã được chuẩn hoá quốc tế.

Phạm vi nghiên cứu: Vận dụng SNA vào Việt Nam chúng ta không phải xây dựng từ đầu, từ khâu xây dựng cơ sở hạch toán đến khâu tính toán tổng hợp các chỉ tiêu mà tiến hành trên cơ sở củng cố những kết quả đã có và phát triển thêm những vấn đề chưa thực hiện được.

 

Nội dung đề tài:

  • Trình bày, lý giải có hệ thống các nội dung cơ bản của Hệ thống tài khoản quốc gia (SNA), với các tài khoản, các chỉ tiêu chủ yếu cấu thành; trong đó phân định một cách đầy đủ, rõ ràng phương pháp luận, nội dung tính toán các chỉ tiêu chủ yếu như: tổng giá trị sản xuất, chi phí trung gian, tổng sản phẩm trong nước (GDP) cùng các phương pháp để tính các chỉ tiêu này và khả năng vận dụng ở Việt Nam, cũng như trong một ngành kinh tế cụ thể.
  • Đề xuất phương pháp tính toán giá trị sản xuất hay còn gọi là giá trị dịch vụ du lịch, chi phí trung gian, giá trị tăng thêm của hoạt động du lịch (phần cấu thành tổng sản phẩm trong nước GDP) từ các loại hình kinh doanh hoạt động lữ hành, hoạt động khách sạn, hoạt động vận chuyển... trong ngành du lịch.
  • Tính toán các chỉ tiêu phản ánh kết quả kinh doanh du lịch. Đặc biệt lần đầu tiên công trình nghiên cứu đã xác định được phần giá trị mới sáng tạo ra cho nền kinh tế - chỉ tiêu giá trị tăng thêm (GDP) của ngành du lịch. Cung cấp số liệu các chỉ tiêu kinh tế trong hoạt động du lịch các năm từ 1996 dến 2002.   

Kết quả đề tài:

Việc sử dụng những chỉ tiêu kinh tế tổng hợp trong SNA để nghiên cứu quan hệ sản xuất sản phẩm vật chất và sản xuất giữa các loại dịch vụ, giữa quan hệ kinh tế trong nước với kinh tế nước ngoài về hàng hóa, dịch vụ và vốn có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Vì vậy việc nghiên cứu ứng dụng SNA vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam là vấn đề thiết thực đối với công tác quản lý kinh tế vĩ mô trong điều kiện hoạt động của một nền kinh tế mở. Việc tính giá trị tăng thêm của từng ngành kinh tế đóng góp vào GDP là rất cần thiết vì nó cho ta thấy hiệu quả hoạt động và vai trò của từng ngành kinh tế trong nền kinh tế quốc dân.

Từ việc đề xuất phương pháp luận và tính toán phân tích cụ thể đã tạo cơ sở cho việc ứng dụng hệ thống tài khoản quốc gia trong việc đánh giá vai trò của hoạt động du lịch trong nền kinh tế... như biết được hiệu quả kinh tế trong hoạt động kinh doanh du lịch, thể hiện tỷ trọng của giá trị tăng thêm so với giá dịch vụ du lịch, so với doanh thu và thu nhập du lịch; tỷ trọng giá trị tăng thêm của hoạt động du lịch trong tổng sản phẩm trong nước (GDP); cùng các hệ số từ kết quả so sánh các chỉ tiêu cấu thành có thể suy diễn mở rộng cho việc tính toán các chỉ tiêu mà trong thực tế không thể tính toán trực tiếp như chỉ tiêu thu nhập du lịch, GDP theo thu nhập du lịch.

 

 

 

Ghi chú:

Đơn vị chủ trì:

 

Vụ Kế hoạch & Đầu tư  (Vụ Tài chính)



 
 
Nhiệm vụ khoa học công nghệ 2008
  Đơn vị thực hiện: Trung tâm Thông tin du lịch
Bản quyền: Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam
Lưu hành nội bộ