Tóm tắt nội dung
Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu:
Trong thời gian qua việc đầu tư phát triển du lịch mới chỉ tập trung ở một số trung tâm, một số khu du lịch có tài nguyên du lịch hấp dẫn, có vị trí thuận lợi, có cơ sở hạ tầng xã hội tương đối phát triển; và chỉ tập trung đầu tư cho việc khai thác sử dụng các nguồn tài nguyên phục vụ phát triển du lịch. Việc đầu tư khai thác các nguồn tài nguyên du lịch ở những khu du lịch - nơi có cơ sở hạ tầng xã hội còn kém phát triển, khó tiếp cận (nhưng có khả năng đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, kéo dài thời gian lưu trú của khách, góp phần kéo dài thời vụ du lịch...); việc đầu tư cho công tác tôn tạo và bảo tồn các giá trị tài nguyên du lịch, bảo vệ môi trường ở những khu du lịch... còn chưa được quan tâm đúng mức. Sở dĩ như vậy là do chưa có những giải pháp thích hợp, những cơ chế chính sách để khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các khu du lịch.
Với thực trạng đầu tư mất cân đối như vậy, việc nghiên cứu đề xuất những giải pháp đầu tư phát triển các khu du lịch là rất quan trọng và cần thiết; nhằm hoàn thiện hệ thống các cơ chế chính sách về đầu tư du lịch để thu hút các nguồn vốn đầu tư, khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên du lịch, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tăng thời gian lưu trú của khách và khắc phục tính mùa vụ trong hoạt động du lịch.
Mục tiêu nghiên cứu:
Xây dựng và đề xuất hệ thống các giải pháp nhằm khuyến khích và thu hút đầu tư ban đầu để phát triển các khu du lịch (không đi sâu nghiên cứu các giai đoạn kinh doanh sau đầu tư), khai thác sử dụng có hiệu quả và bảo tồn các nguồn tài nguyên ở các khu du lịch, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tăng thời gian lưu trú của khách và khắc phục tính mùa vụ trong hoạt động du lịch.
Nội dung nghiên cứu chủ yếu:
- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về khu du lịch, về đầu tư phát triển các khu du lịch. Kinh nghiệm thực tiễn của quốc tế về đầu tư phát triển các khu du lịch.
- Thực trạng về hệ thống các cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư du lịch; các cơ chế chính sách liên quan đến phát triển du lịch.
- Thực trạng về tổ chức, quản lý các hoạt động khai thác và kinh doanh tại các khu du lịch được lựa chọn nghiên cứu.
- Thực trạng về công tác đầu tư phát triển các khu du lịch được lựa chọn nghiên cứu. Đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế cần khắc phục.
Xây dựng và đề xuất hệ thống các giải pháp nhằm khuyến khích và thu hút đầu tư xây dựng các khu du lịch.
Kết quả của đề tài:
Đề tài đã đưa ra một số định hướng và một số nhóm giải pháp nhằm khuyến khích và thu hút đầu tư phát triển du lịch ở Việt Nam.
+ Một số định hướng về đầu tư phát triển du lịch ở Việt Nam:
- Định hướng phát triển các chỉ tiêu du lịch chủ yếu
- Định hướng phát triển các trọng điểm du lịch và các khu du lịch
+ Một số nhóm giải pháp nhằm khuyến khích và thu hút đầu tư xây dựng các khu du lịch ở Việt Nam:
- Giải pháp về công tác tổ chức, quản lý các khu du lịch
- Giải pháp về xây dựng, quản lý và thực hiện quy hoạch các khu du lịch
- Giải pháp về quyền sử dụng đất đai ở các khu du lịch
- Giải pháp về đầu tư phát triển các khu du lịch
- Giải pháp về huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển khu du lịch
- Giải pháp về cơ chế chính sách tài chính, thuế trong đầu tư phát triển các khu du lịch
- Giải pháp về phối hợp và hợp tác liên ngành, liên vùng trong khai thác tài nguyên ở các khu du lịch
- Giải pháp về cải cách thủ tục hành chính
- Giải pháp hỗ trợ, khuyến khích cộng đồng tham gia phát triển các khu du lịch
- Giải pháp về đầu tư bảo tồn, tôn tạo các giá trị tài nguyên du lịch và bảo vệ môi trường
Đề tài đã kết luận và đưa ra một số kiến nghị chung và cụ thể nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động đầu tư phát triển các khu du lịch:
- Xác định cơ sở hình thành và phát triển các khu du lịch
- Xác định thị trường, nhu cầu khách du lịch, dự báo các sản phẩm du lịch
- Xây dựng, ban hành và thực hiện quy chế quản lý của các khu du lịch
- Các kiến nghị cụ thể đối với Chính phủ; các Bộ, ngành; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. |