Người sử dụng:
 
  Thoát

Tên đề tài  
Nghiên cứu vận dụng kinh nghiệm của nước ngoài trong việc quản lý phát triển loại hình lưu trú cho khách du lịch ở nhà dân
Đơn vị chủ trì Vụ Hợp tác quốc tế
Năm thực hiện 2006
Chủ nhiệm đề tài Ths. Phạm Quang Hưng

Tóm tắt nội dung

Tính cấp thiết của đề tài

Đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch là một trong những nội dung quan trọng được xác định rõ trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 1995-2010. Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, trong đó bao gồm cả loại hình du lịch nông thôn, du lịch ở nhà dân. Loại hình du lịch này được phát triển sẽ tạo việc làm, mang lại thu nhập trực tiếp cho cộng đồng dân cư địa phương, góp phần hiệu quả cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, tăng cường hiểu biết, giao lưu văn hóa, củng cố tình hữu nghị giữa nhân dân các nước.

 

Đối với những quốc gia, nhất là những nước có ngành du lịch đang ở giai đoạn đầu phát triển trong đó có Việt Nam, du lịch mới phát triển nhỏ lẻ ở một vài địa phương, chưa có những định hướng, chính sách để phát triển loại hình tiềm năng này. Để đảm bảo loại hình này được phát triển và áp dụng rộng rãi, hiệu quả cao và bền vững, việc nghiên cứu lý luận cũng như kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến phát triển loại hình du lịch nhà dân là cần thiết, làm cơ sở khoa học cho các nhà hoạch định chính sách, cho các địa phương cũng như những người tham gia kinh doanh loại hình du lịch này.

Mục tiêu:
Tổng hợp, nghiên cứu một số kinh nghiệm phát triển loại hình du lịch ở nhà dân của một số nước trên trên thế giới, cả kinh nghiệm thành công và chưa thành công. Trên cơ sở đó lựa chọn những điểm phù hợp của mỗi nước để đề xuất, vận dụng vào hoàn cảnh thực tế Việt Nam

 

Phạm vi nghiên cứu

- Đề tài tập trung xem xét kinh nghiệm tốt đồng thời có kết hợp xem xét những bài học chưa thành công của các nước đã có những bước phát triển loại hình sản phẩm du lịch ở nhà dân, chủ yếu tại các vùng nông thôn.

- Hiện trạng cơ sở pháp lý, tình hình phát triển loại hình du lịch ở nhà dân tại Việt Nam, những vấn đề liên quan tới sự phối hợp của các cơ quan hữu quan, an toàn, an ninh...; chủ yếu là hoạt động du lịch ở nhà dân tại các khu vực nông thôn

- Về thời gian, đề tài thu thập kinh nghiệm của các nước trong vòng 10 năm lại đây nhưng có thể áp dụng vào tình hình thực tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay cũng như trong tương lai gần.

 

Nội dung cơ bản 

- Một số vấn đề lý luận chung về loại hình du lịch và du lịch ở nhà dân

  • Các loại hình du lịch, xu hướng phát triển các loại hình du lịch trên thế giới
  • Khái niệm, điều kiện phát triển loại hình du lịch ở nhà dân
  • Những đóng góp và tác động kinh tế xã hội của du lịch ở nhà dân

- Kinh nghiệm một số nước về phát triển du lịch ở nhà dân

  • Kinh nghiệm về chính sách, tiêu chuẩn hóa
  • Kinh nghiệm về quản lý, thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ
  • Kinh nghiệm nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, xúc tiến
  • Kinh nghiệm về tổ chức, quản lý hoạt động và chia sẻ lợi ích
  • Kinh nghiệm đào tạo nhân lực
  • Bài học từ kinh nghiệm quốc tế và khả năng áp dụng ở Việt Nam

- Định hướng áp dụng kinh nghiệm phát triển du lịch ở nhà dân của một số nước tại Việt Nam

  • Tình hình phát triển du lịch ở nhà dân của Việt Nam
  • Định hướng phát triển du lịch ở nhà dân tại Việt Nam
  • Đề xuất, kiến nghị việc quản lý và phát triển du lịch ở nhà dân tại Việt Nam

Ứng dụng, kết quả đạt được

Kinh nghiệm thực tế của một số nước cho thấy để phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch ở nhà dân cần có sự quan tâm của nhà nước, chính quyền các cấp. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh sự phối hợp liên ngành với ngành nông nghiệp, môi trường, văn hóa... nhằm đa dạng hóa và tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy du lịch ở nhà dân phát triển. Điều quan trọng là việc phân chia lợi ích hài hòa, cân đối giữa các chủ thể tham gia vào du lịch ở nhà dân, và thúc đẩy sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa những chủ thể này.

 

Kinh nghiệm các nước sẽ là những bài học tốt để Việt Nam có thể khai thác hiệu quả tiềm năng của mình phát triển du lịch ở nhà dân, góp phần xóa đói giảm nghèo. Phát triển du lịch ở nhà dân vừa kế thừa, phát huy kinh nghiệm của các nước trong khu vực nhưng phải giữ gìn, bảo tồn bản sắc, nét đặc trưng và những giá trị văn hoá Việt vì đây là yếu tố quan trọng nhất góp phần thu hút du khách. Phát triển sản phẩm du lịch ở nhà dân chú trọng yếu tố chất lượng, thể hiện thông qua việc thực hiện các tiêu chuẩn tối thiểu trong việc phân hạng, xếp hạng khách sạn và việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch đối với hoạt động này.

 



 
 
Nhiệm vụ khoa học công nghệ 2008
  Đơn vị thực hiện: Trung tâm Thông tin du lịch
Bản quyền: Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam
Lưu hành nội bộ