Người sử dụng:
 
  Thoát

Tên đề tài  
Nghiên cứu xây dựng chương trình du lịch hoài niệm tại địa bàn Tây Bắc và chiến khu Việt Bắc
Đơn vị chủ trì Công ty Du lịch và Xúc tiến Đầu tư
Năm thực hiện 2007
Chủ nhiệm đề tài

Tóm tắt nội dung

Tính cấp thiết của đề tài  nghiên cứu:

 

Việt Bắc, Tây Bắc không chỉ tự hào sống mãi với những chiến tích lẫy lừng với chiến khu xưa bền bỉ kiên cường mà cao hơn thế đấy là nơi để con người chiêm nghiệm về những điều có tính triết lý nhân sinh. Đấy là đất sống của niềm tin, đất sống của tương lai tốt đẹp. Chính vì thế những người Việt Nam và nước ngoài đã từng sống, chiến đấu và công tác tại Việt Bắc, Tây Bắc, các thế hệ con cháu, bạn bè họ và đông đảo du khách đều có nhu cầu trở về, đến với Việt Bắc, Tây Bắc. Đặt vấn đề nghiên cứu và khai thác du lịch hoài niệm Việt Bắc, Tây Bắc như là một sản phẩm du lịch mới, đặc trưng, hấp dẫn, có giá trị ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội cao của vùng Việt Bắc, Tây Bắc là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay, cần phải tổ chức nghiên cứu và thực hiện ngay.

 

Qua khảo sát, có một số lượng lớn du khách Việt Nam và quốc tế có nhu cầu tới Việt Bắc, Tây Bắc để chiêm nghiệm, hoài niệm về chiến trường xưa, chiến khu xưa chống Pháp với biết bao kỷ niệm, ân tình sâu nặng. Nhưng hiện còn thiếu, rất thiếu những tour, tuyến, sản phẩm du lịch đáp ứng được mong muốn và ý nguyện của số du khách này đảm bảo được những yêu cầu về chất lượng phục vụ, thông tin và an ninh an toàn cho họ.

 

Trước đòi hỏi cấp bách và thực tế đó, tiếp nối kết quả nghiên cứu và ứng dụng thành công du lịch hoài niệm Quảng Trị, Công ty Du lịch & Xúc tiến Đầu tư tiếp tục nghiên cứu đề tài khoa học du lịch hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội, nhưng lần này ở địa bàn Việt Bắc và Tây Bắc. Qua đó để doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh du lịch nghiên cứu và ứng dụng ngay vào thực tiễn kinh doanh của đơn vị mình.

 

Mục tiêu nghiên cứu:

 

Xây dựng chương trình du lịch hoài niệm tại địa bàn Tây Bắc và chiến khu Việt Bắc nhằm phục vụ khách tham quan và du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá tinh thần cho đồng bào các dân tộc Việt Bắc, Tây Bắc.

 

Phương pháp nghiên cứu:

 

Để nghiên cứu về định hướng phát triển du lịch hoài niệm Việt Bắc, Tây Bắc, nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp tiếp cận tổng thể, đi từ cái chung đến cái riêng, hài hoà và đồng bộ giữa kinh tế, xã hội và du lịch, giữa du lịch hoài niệm và các loại hình du lịch khác. Các phương pháp đó bao gồm:

- Phương pháp phân tích hệ thống

- Phương pháp đánh giá riêng biệt, tổng hợp và so sánh chọn lọc

- Phương pháp thống kê

- Phương pháp nghiên cứu thực địa

- Phương pháp điều tra, hỏi đáp

 

Nội dung chủ yếu và kết quả của đề tài:

+ Kế thừa kết quả nghiên cứu du lịch Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội Quảng Trị, lần này nghiên cứu rộng hơn, khái quát hơn, khẳng định  tính đúng đắn, khoa học của du lịch hoài niệm như là một loại hình, một sản phẩm du lịch mới đặc trưng, phong phú và là thế mạnh của du lịch Việt Nam - một đất nước nhỏ và nghèo nhưng lại lần lượt đánh thắng các đế quốc xâm lược lớn và giàu hơn nhiều.

 

+ Khảo sát, đánh giá thực trạng và tiềm năng du lịch hoài niệm tại Việt Bắc và Tây Bắc:

-         Khái quát địa bàn Tây Bắc và chiến khu Việt Bắc

-         Thực trạng du lịch hoài niệm Việt Bắc, Tây Bắc: về hệ thống di tích lịch sử cách mạng Việt Bắc, Tây Bắc; về cơ sở lưu trú; về giao thông vận tải; về nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch hoài niệm;

-         Tiềm năng

 

+ Xây dựng một số mô hình mẫu về tour, tuyến du lịch hoài niệm. Phác hoạ bản đồ du lịch hoài niệm về chiến khu xưa Việt Bắc và Tây Bắc.

-         Sau nhiều lần đi khảo sát, nghiên cứu thực tế, nhóm nghiên cứu đề tài đã đưa ra 03 tour mẫu điển hình của hành trình du lịch hoài niệm Việt Bắc, Tây Bắc.

-         Ngoài 03 tour, tuyến điển hình trên, nhóm nghiên cứu đề tài còn giới thiệu một số tour, tuyến du lịch hoài niệm Việt Bắc, Tây Bắc đang được một số Công ty du lịch (trong đó có Công ty Du lịch & Xúc tiến Đầu tư) giới thiệu, khai thác.

 

+ Đề tài đã đề xuất các nhóm giải pháp: Bảo tồn, trùng tu, quản lý, phát triển nguồn nhân lực, cơ sở lưu trú, giao thông vận tải… để khai thác các di tích lịch sử cách mạng phục vụ phát triển du lịch hoài niệm.

 

Đề tài đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch dựa trên nghiên cứu khoa học cụ thể, là cơ sở để các cơ quan, đơn vị kinh doanh có quan tâm đến loại hình du lịch hoài niệm tham khảo và phát triển trong từng hoàn cảnh cụ thể. Đề tài được nghiên cứu bởi doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh du lịch và được ứng dụng ngay vào thực tiễn kinh doanh của đơn vị.



 
 
Nhiệm vụ khoa học công nghệ 2008
  Đơn vị thực hiện: Trung tâm Thông tin du lịch
Bản quyền: Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam
Lưu hành nội bộ