Người sử dụng:
 
  Thoát

Tên đề tài  
Nghiên cứu thực trạng và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của hoạt động du lịch tại khu di tích lịch sử văn hóa đền Hùng, Phú Thọ
Đơn vị chủ trì Trung tâm Thông tin du lịch
Năm thực hiện 2005
Chủ nhiệm đề tài CN. Vũ Thế Bình

Tóm tắt nội dung

Tính cấp thiết của đề tài:

Khu di tích lịch sử Đền Hùng ở Phú Thọ nằm trên vùng đất Tổ, cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Nơi đây các Vua Hùng đã dựng nước Văn Lang - quốc gia đầu tiên của Việt Nam, thủ đô là Phong Châu. Đây là vùng đất thiêng liêng đối với mỗi người dân Việt Nam. Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, hàng năm có hàng chục vạn người đến viếng thăm Đền Hùng. Nhiều địa phương trong nước đã xây dựng các đền thờ Vua Hùng. Vào ngày giỗ Tổ Hùng Vương, nhiều tỉnh tổ chức lễ tế vọng về Đền Hùng, đồng thời tổ chức các lễ hội dân gian để tưởng niệm các Vua Hùng có công dựng nước. Rõ ràng, khu vực đền Hùng có ưu thế đặc biệt trong việc thu hút khách du lịch nội địa.

Có lẽ Việt Nam là nước duy nhất có chung 1 ngày giỗ Tổ. Điểm đặc sắc này cũng thu hút sự quan tâm của nhiều du khách quốc tế. Vấn đề là phải có kết cấu hạ tầng cần thiết, có các dịch vụ đồng bộ và hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc, khu vực đền Hùng sẽ có khả năng thu hút nhiều khách quốc tế.

Với giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Hàng loạt hội thảo về văn hóa, khảo cổ và lịch sử về Đền Hùng đã được tổ chức. Nhiều báo cáo đã tập trung phân tích, đánh giá giá trị văn hóa, lịch sử của Khu di tích, một số báo cáo đã đề cập về thực trạng khách du lịch và dịch vụ phục vụ khách du lịch tại Khu di tích này. Tuy nhiên, đến nay chưa có công trình nào phân tích hiệu quả kinh tế khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Vì vậy, cần thiết phải có những công trình nghiên cứu, đánh giá thực trạng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch ở đây một cách cụ thể để có được những kết quả nghiên cứu khách quan, khoa học, đúng đắn, qua đó đề ra các giải pháp nhằm đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả kinh tế từ hoạt động du lịch tại khu vực này theo hướng phát triển bền vững.

Mục tiêu đề tài:

Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế từ hoạt động du lịch tại khu di tích lịch sử đền Hùng, góp phần phát triển du lịch văn hóa nói chung; Xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn về khai thác, bảo tồn và phát triển các điểm di tích lịch sử văn hóa đối với hoạt động du lịch.

Phương pháp nghiên cứu:

- Phương pháp điều tra, phỏng vấn và thu thập thông tin.
- Phương pháp phân tích tổng hợp và phân tích hệ thống.
- Phương pháp thống kê.
- Phương pháp dự báo và chuyên gia.

Nội dung đề tài:

Đề tài đã khái quát, hệ thống hóa cơ sở lý luận về du lịch văn hóa và các điều kiện phát triển du lịch văn hoá, hiệu quả kinh tế trong hoạt động du lịch văn hóa và các chỉ tiêu tổng hợp đánh giá hiệu quả kinh tế trong hoạt động du lịch văn hoá. Đây là cơ sở lý luận quan trọng để nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế cho hoạt động du lịch tại Khu di tích lịch sử đền Hùng.

Đề tài tập trung phân tích, đánh giá tương đối toàn diện về thực trạng hoạt động du lịch tại Khu di tích lịch sử đền Hùng, cụ thể là, phân tích, đánh giá tiềm năng, giá trị của khu di tích lịch sử đền Hùng đối với du lịch Phú Thọ và du lịch Việt Nam; Thực trạng hoạt động du lịch văn hóa- lễ hội tại khu di tích lịch sử đền Hùng; Đánh giá hiệu quả kinh tế của hoạt động du lịch tại Khu di tích lịch sử đền Hùng và rút ra kết luận: đền Hùng là một di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quan trọng của nước ta nhờ giá trị văn hóa, lịch sử to lớn, có đủ điều kiện để thu hút khách du lịch cả nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế từ hoạt động du lịch tại Khu di tích lịch sử đền Hùng trong thời gian qua còn thấp.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động du lịch tại Khu di tích lịch sử đền Hùng, đề tài đã đưa ra 7 định hướng và 7 nhóm giải pháp có căn cứ khoa học và thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của hoạt động du lịch tại Khu di tích lịch sử đền Hùng. 7 nhóm giải pháp về: thị trường, sản phẩm và dịch vụ du lịch, xây dựng kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, tuyên truyền quảng bá, nguồn nhân lực, quản lý và bảo vệ môi trường, và tổ chức quản lý. Để thực hiện đồng bộ và hiệu quả các định hướng và giải pháp trên, đề tài đã đưa ra nhiều khuyến nghị cụ thể với các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương.

Kết quả đề tài:

Đề tài đã hệ thống một bước cơ sở lý luận về du lịch văn hóa; cung cấp cho các nhà khoa học thông tin, tư liệu cần thiết về thực trạng Khu di tích lịch sử đền Hùng, khả năng phát triển khu vực này thành trung tâm du lịch lễ hội của đất nước; đề xuất một hình mẫu về sự kết hợp giữa bảo tồn khu di tích lịch sử và khai thác cho mục đích phát triển kinh tế du lịch.

Hiệu quả kinh tế xã hội của đề tài:

Giúp Tổng cục Du lịch có cơ sở khoa học để phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tại các điểm di tích lịch sử, văn hóa một cách chuyên nghiệp, theo kịp trình độ phát triển du lịch khu vực và quốc tế;

Sản phẩm của đề tài nếu được triển khai ứng dụng sẽ thúc đẩy phát triển khu di tích lịch sử đền Hùng thành điểm du lịch văn hóa điển hình của Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ được UBND một số tỉnh, sở Du lịch, sở Thương mại-Du lịch một số tỉnh nghiên cứu ứng dụng để củng cố và phát triển du lịch tại các khu di tích lịch sử văn hóa của địa phương mình, nâng cao năng lực quản lý di tích, phục vụ phát triển du lịch tại khu vực.

Các nhà đầu tư, công ty lữ hành, khách sạn có thể tham khảo kết quả nghiên cứu để nâng cao hiệu quả đầu tư, kinh doanh tại các điểm du lịch văn hóa.

Giúp cho các sở quản lý du lịch có cơ sở khoa học để xây dựng, phát triển và quản lý sản phẩm du lịch lịch sử văn hóa ở địa phương;

Các nhà quản lý các di tích lịch sử văn hóa có thể nghiên cứu kết quả của đề tài để ứng dụng trong phát triển du lịch ở khu vực của mình;

Bồi dưỡng nâng cao trình độ và kinh nghiệm thực tiễn của cán bộ quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương và địa phương về phát triển sản phẩm du lịch.

Địa chỉ ứng dụng kết quả đề tài:

Tổng cục Du lịch: Vụ Lữ hành ứng dụng trong quản lý và phát triển sản phẩm du lịch văn hoá, lịch sử.

UBND tỉnh Phú Thọ nghiên cứu tham khảo khi ban hành các chính sách phát triển du lịch tại Khu di tích lịch sử đền Hùng và phụ cận nói riêng và các khu di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh nói chung.

Sở Thương mại Du lịch Phú Thọ, Sở Văn hóa Thông tin Phú Thọ, Khu di tích lịch sử đền Hùng, UBND huyện Lâm Thao và thành phố Việt Trì và những địa phương có di tích lịch sử văn hóa nghiên cứu tham khảo khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch và tổ chức quản lý khu di tích lịch sử văn hóa vừa bảo đảm công tác bảo tồn, vừa phát triển du lịch hiệu quả, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Các sở quản lý du lịch trên phạm vi cả nước: ứng dụng trong quản lý và phát triển sản phẩm du lịch tại địa phương

Các doanh nghiệp du lịch: ứng dụng để xây dựng các dự án đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch và tổ chức, điều hành kinh doanh, khai thác di tích lịch sử văn hóa nói chung và khu di tích lịch sử đền Hùng nói riêng phục vụ du lịch.

 

Ghi chú:

Đơn vị chủ trì:

 

Trung tâm Tin học (Trung tâm Thông tin du lịch)



 
 
Nhiệm vụ khoa học công nghệ 2008
  Đơn vị thực hiện: Trung tâm Thông tin du lịch
Bản quyền: Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam
Lưu hành nội bộ