Người sử dụng:
 
  Thoát

Tên đề tài  
Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng mạng lưới cơ sở đào tạo nghề du lịch
Đơn vị chủ trì Vụ Tổ chức cán bộ
Năm thực hiện 2005
Chủ nhiệm đề tài TS. Nguyễn Văn Lưu

Tóm tắt nội dung

Tính cấp thiết của đề tài:

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa giáo dục, nhiều cơ sở đào tạo mới ra đời dưới nhiều loại hình công lập, dân lập, tư thục, liên kết đào tạo; nhiều trường đại học, cao đẳng, trung học mở thêm chuyên ngành du lịch. Do vậy, trong hơn 10 năm trở lại đây, số lượng học sinh tốt nghiệp các chuyên ngành du lịch và tham gia vào thị trường lao động du lịch tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, các trường đào tạo du lịch cần thiết phải được quy hoạch phát triển phù hợp với tính chất, điều kiện phát triển của từng địa phương, vùng du lịch; đảm bảo chất lượng đào tạo, cân đối giữa các vùng miền, đặc biệt những vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều tài nguyên thuận lợi cho du lịch phát triển nhưng cơ sở hạ tầng xã hội, trình độ dân trí chưa phát triển. Mạng lưới cơ sở đào tạo nghề du lịch ở nước ta chưa được quy hoạch dựa trên quy hoạch tổng thể phát triển du lịch giai đoạn 1995-2010 và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương trong đó có quy hoạch phát triển du lịch.

Các địa phương trong những năm qua đã bước đầu thực hiện việc quy hoạch phát triển du lịch trong đó có nội dung phát triển nguồn nhân lực du lịch, có đề xuất, kiến nghị thành lập một số cơ sở đào tạo nghề du lịch như ở Nha Trang, Đà Lạt, Thái Nguyên, Cần Thơ... Nhưng cơ sở khoa học cho việc thành lập trường chưa được nghiên cứu kỹ, nhất là việc tính đến sự phát triển du lịch và nhu cầu, khả năng đáp ứng nhu cầu nhân lực du lịch của các vùng lân cận. Việc mở ra nhiều trường, trung tâm đào tạo về du lịch không có quy hoạch đã xây ra tình trạng lộn xộn trong đào tạo, kém chất lượng và manh mún; có nhiều cơ sở cùng tham gia đào tạo cùng một số ngành nghề; có ngành nghề không có cơ sở nào đào tạo; quy mô đào tạo chưa cân đối giữa các vùng, giữa các ngành nghề và trình độ đào tạo, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu lao động được đào tạo đang diễn ra khá phổ biến, dẫn đến lãng phí và không đáp ứng đúng yêu cầu phát triển của ngành du lịch.

Từ thực tế đó, yêu cầu bức xúc đặt ra cần có đề tài nghiên cứu cấp Bộ để nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng mạng lưới cơ sở đào tạo nghề du lịch để hướng dẫn, định hướng cho các địa phương.

Mục tiêu đề tài:           

Góp phần hình thành mạng lưới cơ sở đào tạo nghề du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong giai đoạn tới, đảm bảo sự cân đối giữa cung và cầu về nguồn nhân lực du lịch theo vùng - miền, ngành nghề và trình độ đào tạo.

Những mục tiêu cụ thể là giải quyết những vấn đề chính sau:

§     Nghiên cứu, hệ thống hóa những khái niệm và vấn đề lý luận liên quan trực tiếp đến việc xây dựng mạng lưới cơ sở đào tạo nghề du lịch; tổng quan một số kinh nghiệm tốt về xây dựng mạng lưới cơ sở đào tạo nghề du lịch của một số nước;

§     Xác định yêu cầu về nhân lực du lịch phục vụ cho phát triển du lịch ở từng khu vực thuộc những vùng du lịch;

§     Định hướng về đào tạo nghề du lịch đối với từng vùng, miền và đề xuất giải pháp xây dựng mạng lưới cơ sở đào tạo nghề du lịch.

 

Phương pháp nghiên cứu:

- Phương pháp phân tích hệ thống;

- Điều tra, khảo sát thực tế, phân tích, tổng hợp 

- Phương pháp chuyên gia.

 

Nội dung đề tài:

Với phương pháp nghiên cứu tiếp cận hệ thống, điều tra khảo sát phân tích quy hoạch ở các vùng du lịch trọng điểm đề tài tập trung nghiên cứu mạng lưới cơ sở đào tạo nghề du lịch (cả về cơ sở lý luận và thực tiễn); các cơ sở đào tạo nghề du lịch hiện có ở các các vùng du lịch trọng điểm để đề xuất quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề du lịch cho giai đoạn tới. Nghiên cứu thực tế được thực hiện tại: Cần Thơ, Bình Thuận, Khánh Hoà, Lâm Đồng, Kiên Giang, Lào Cai, Thừa Thiên Huế, TP Hồ Chí Minh.

Trên cơ sở nghiên cứu cơ sở lý luận, kinh nghiệm của các nước và khảo sát thực tế về tiềm năng phát triển du lịch của 8 vùng kinh tế xã hội trong đó hoạt động du lịch có triển vọng phát triển du lịch: (1) Hà Nội và phụ cận; (2) Đông Bắc, (3) Tây Bắc; (4) Bắc Trung bộ, (5) Nam Trung bộ; (6) Tây Nguyên; (7) Thành phố Hồ Chí Minh và phụ cận và (8) Đồng bằng sông Cửu Long, đề tài đánh giá thực trạng nguồn nhân lực và dự báo nhu cầu nguồn nhân lực du lịch của các vùng du lịch trọng điểm các giai đoạn đến 2010; 2015. Kết quả phân tích, dự báo làm cơ sở cho việc đề xuất quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo nghề du lịch của 8 vùng.

 

Kết quả đề tài:

Kết quả của đề tài là các phương án xây dựng mạng lưới cơ sở đào tạo nghề du lịch: mạng lưới quy mô tổng thể, bao gồm tất cả các trường du lịch hiện có và các trường dự kiến thành lập mới và mạng lưới cơ sở đào tạo nghề quy mô hẹp, bao gồm một số trường chuyên nghiệp du lịch hiện có trên cơ sở nâng cấp các trường trực thuộc Tổng cục Du lịch và dự kiến thành lập mới trường chuyên nghiệp du lịch tại một số vùng trong điểm: Cần Thơ, Đà Lạt, Nha Trang, Kiên Giang, Bình Thuận, Nghệ An, Đà Nẵng, Lào Cai, Thái Nguyên.

Thành công của đề tài là giải pháp mang tính ứng dụng trực tiếp vào ngành du lịch trên cơ sở nghiên cứu kỹ về cơ sở lý luận, khảo sát thực tế để các phương án triển khai mang tính khoa học và khả thi cao.

 

Ý nghĩa khoa học và những đóng góp của kết quả đề tài:

Đề tài có ý nghĩa quan trọng trong việc ứng dụng vào công tác quản lý nhà nước về du lịch và về giáo dục và đào tạo; là căn cứ khoa học và khả thi cho việc quy hoạch xây dựng mạng lưới cơ sở đào tạo nghề du lịch trong cả nước, định hướng cho việc thành lập và quản lý các cơ sở đào tạo nghề du lịch trên địa bàn; góp phần đẩy mạnh phát triển nhân lực du lịch là yếu tố then chốt, điều kiện cần cho phát triển du lịch chất lượng cao và bền vững.

 

Hiệu quả kinh tế của đề tài:

Hiệu quả kinh tế-xã hội:

§     Kết quả của đề tài là căn cứ khoa học và khả thi giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chính quyền địa phương ở các vùng du lịch trọng điểm xây dựng chính sách, thực hiện xây dựng và phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nghề du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch đến 2010 một cách bền vững. Kết quả nghiên cứu được áp dụng trực tiếp trong việc thành lập mới các cơ sở đào tạo nghề du lịch, nâng cấp cơ sở đào tạo hiện có phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương trong chiến lược phát triển du lịch của cả nước.

 

Địa chỉ ứng dụng kết quả đề tài:

Ứng dụng trực tiếp tại Tổng cục Du lịch trong việc quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề du lịch trên phạm vi cả nước cho một giai đoạn dài hạn. Là tài liệu tham khảo cho Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) vận dụng là kinh nghiệm cho các ngành kinh tế khác trong việc hình thành mạng lưới đào tạo nghề; giúp Bộ Giáo dục & Đào tạo có thêm tài liệu tham khảo để xây dựng mạng lưới các trường đại học, cao đẳng có đào tạo chuyên ngành du lịch; giúp các tỉnh thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo trên địa bàn, trong đó có mạng lưới đào tạo nghề du lịch.

Tính sáng tạo và đột phá của đề tài:

Sự phân vùng kinh tế-xã hội gắn với phát triển du lịch là cơ sở quan trọng cho sự ra đời và phát triển của một cơ sở đào tạo nghề du lịch. Những căn cứ về tiềm năng phát triển du lịch, nhu cầu nguồn nhân lực du lịch, điều kiện kinh tế, văn hoá, giáo dục địa phương... được đề tài công phu phân tích phân biệt giữa các vùng gắn với đặc điểm phát triển du lịch. Đây là điểm sáng của đề tài, có ý nghĩa quyết định đến tính khả thi của mạng lưới cơ sở đào tạo nghề trong việc triển khai áp dụng.



 
 
Nhiệm vụ khoa học công nghệ 2008
  Đơn vị thực hiện: Trung tâm Thông tin du lịch
Bản quyền: Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam
Lưu hành nội bộ