Người sử dụng:
 
  Thoát

Tên đề tài  
Nghiên cứu đánh giá khả năng khai thác và giải pháp phát triển một số làng nghề truyền thống tại Hà Tây phục vụ khách du lịch
Đơn vị chủ trì Trường CĐ Du lịch Hà Nội
Năm thực hiện 2003
Chủ nhiệm đề tài TS. Nguyễn Mạnhh Ty

Tóm tắt nội dung

Tính cấp thiết của đề tài:

Hiện nay Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước mà một trong những trọng tâm phải chú ý đến là công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp ở nông thôn.

    Lịch sử nông thôn Việt Nam gắn liền với các thôn xóm và các làng nghề, đó là những đặc trưng cơ bản trong truyền thống kinh tế, văn hóa của xã hội nông thôn Việt Nam. “Hiện đại hóa công nghệ truyền thống và truyền thống hóa công nghệ hiện đại” là một nội dung của chiến lược công nghiệp hóa ở Việt Nam. Các làng nghề sẽ là cầu nối giữa nông nghiệp và công nghiệp, giữa nông thôn và thành thị, giữa truyền thống và hiện đại và là nấc thang phát triển quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa nông thôn nước ta.

    Hà Tây là một tỉnh cửa ngõ của thủ đô Hà Nội, có truyền thống lịch sử về phát triển làng nghề lâu đời, làng nghề truyền thống của Hà Tây là nguồn “tài sản” quý giá của tỉnh và của đất nước ta. “Tài sản” đó không chỉ mang ý nghĩa về mặt kinh tế-xã hội mà còn thể hiện nền văn minh độc đáo của dân tộc Việt Nam. Dưới góc độ của du lịch, làng nghề truyền thống chính là tài nguyên du lịch nhân văn, nó đã góp phần tạo ra sự phong phú, đa dạng, có giá trị cho sản phẩm du lịch.

    Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách, thách thức mới đặt ra đối với các nhà quản lý ngành và các cấp chính quyền địa phương là phải tạo ra sản phẩm làng nghề hấp dẫn, độc đáo mang nét đặc thù riêng nhằm thu hút ngày càng đông các đoàn khách đến địa phương mình đồng thời tạo cơ hội bán hàng tại chỗ tạo thêm công ăn việc làm cho người dân sở tại nhờ dịch vụ du lịch, góp phần tăng nguồn thu cho người dân, tăng ngân sách cho địa phương và xã hội.

Mặc dù đã có rất nhiều cố gắng của các cấp chính quyền ở Hà Tây, nhưng nhiều năm qua mới chỉ có rất ít làng nghề tỉnh Hà Tây được khai thác đưa vào các chương trình du lịch của một số doanh nghiệp lữ hành. Hơn nữa, việc khai thác này cũng còn rất khiêm tốn chưa được tổ chức một cách quy mô lớn, có hệ thống và chủ yếu mang tính tự phát từ phía các doanh nghiệp lữ hành do nhu cầu xây dựng sản phẩm cho khách du lịch.

    Với những lý do trên, việc nghiên cứu đề tài khoa học “Nghiên cứu đánh giá khả năng khai thác và giải pháp phát triển một số làng nghề truyền thống tại Hà Tây phục vụ khách du lịch” là hết sức cần thiết và cấp bách, để góp phần giải quyết có hiệu quả những sự bất cập ở trên.

Mục tiêu đề tài:

§     Nghiên cứu vai trò của làng nghề truyền thống nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch phục vụ khách du lịch.

§     Nghiên cứu đánh giá thực trạng và tình hình khai thác một số làng nghề truyền thống tại Hà Tây phục vụ khách du lịch.

§     Đề ra một số phương hướng, giải pháp nhằm khai thác có hiệu quả.

§     Tổng hợp và giới thiệu các sản phẩm nổi tiếng của các làng nghề truyền thống Hà Tây.

Phương pháp nghiên cứu:

-          Phương pháp tổng hợp

-          Phương pháp hệ thống

-          Phương pháp phân tích và tổng hợp

-          Phương pháp chuyên gia

Nội dung đề tài:

§     Nghiên cứu được những khái niệm, lý luận cơ bản về làng nghề nói chung tại Việt Nam.

§     Nghiên cứu kinh nghiêm làm du lịch làng nghề tại các địa phương trên cả nước và các nước trên thế giới.

§     Nghiên cứu được thực trạng hoạt động du lịch làng nghề tại Hà Tây nói riêng và tại Việt Nam nói chung, qua đó đánh giá được những thuận lợi và khó khăn trong việc phát triển du lịch làng nghề.

§     Nghiên cứu được thực trạng hoạt động kinh doanh, thu nhập và vấn đề công ăn việc làm của người dân trong các làng nghề Hà Tây.

Kết quả đề tài:

Đề tài hoàn thành có ý nghĩa lớn đối với vấn đề cơ sở lý luận về làng nghề Việt Nam và đối với các lĩnh vực nghiên cứu trong phạm vi ngành.

Ngay sau khi đề tài được nghiệm thu cấp Ngành, Sở Du lịch Hà Tây đã tiến hành triển khai phát triển du lịch làng nghề theo phương hướng và những giải pháp phát triển ở cấp độ vĩ mô, vi mô đã nêu trong đề tài. Việc ứng dụng đó đã cho thấy kết quả đạt được của đề tài là khả quan.

Địa chỉ ứng dụng kết quả đề tài :

Sở Du lịch Hà Tây; các làng nghề Vạn Phúc, Vạn Điểm, Chuyên Mỹ, Bình Đà, Phú Vinh,…. Các Sở Du lịch, Sở TM-DL như Thái Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc… và nhiều địa phương khác.

Bên cạnh đó là nguồn tài liệu tham khảo tốt đối với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên, nghiên cứu sinh tại các trường đại học.

Là cơ sở cho việc nghiên cứu các công trình khoa học mới có liên quan đến lĩnh vực phát triển du lịch làng nghề.

 

Ghi chú:

Đơn vị chủ trì:

 

Trường THNV Du lịch Hà Nội (Trường Cao Đẳng Du lịch Hà Nội)



 
 
Nhiệm vụ khoa học công nghệ 2008
  Đơn vị thực hiện: Trung tâm Thông tin du lịch
Bản quyền: Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam
Lưu hành nội bộ