Người sử dụng:
 
  Thoát

Tên đề tài  
Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu động về hướng dẫn viên du lịch quốc tế của Việt Nam
Đơn vị chủ trì Trung tâm Thông tin du lịch
Năm thực hiện 2004
Chủ nhiệm đề tài CN. Vũ Thế Bình

Tóm tắt nội dung

Tính cấp thiết của đề tài:

Trong ngành du lịch, hướng dẫn viên có vai trò hết sức quan trọng. Cùng với sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch cũng trưởng thành nhanh chóng. Từ chỗ chỉ đếm trên đầu ngón tay số hướng dẫn viên du lịch trong những năm 80, đến nay đội ngũ đó đã trở thành một lực lượng hùng hậu, đạt trên 5000 người và đã đóng góp phần quan trọng cho sự phát triển của du lịch Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển nhanh về số lượng, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch Việt Nam cũng còn bộc lộ nhiều vấn đề cần được quan tâm giải quyết. Một mặt cần tăng cường năng lực, trình độ nghiệp vụ của hướng dẫn viên để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành, mặt khác cần đẩy mạnh công tác quản lý hoạt động hướng dẫn trong phạm vi cả nước để đảm bảo hoạt động du lịch được lành mạnh, đạt hiệu quả cao, đảm bảo yêu cầu an ninh quốc gia và bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách du lịch.

Với tinh thần đã nói ở trên, nhu cầu quản lý hướng dẫn viên quốc tế trở nên rất cấp thiết và cấp bách. Tuy nhiên trong cơ chế hiện tại, hướng dẫn viên là người hành nghề tự do, được cấp thẻ hướng dẫn viên khi có đủ tiêu chuẩn theo Nghị định 27/NĐ-CP; thẻ hướng dẫn viên do các Sở quản lý du lịch cấp, do vậy việc quản lý theo cách hiện nay, căn cứ trên giấy tờ l­ưu trữ và báo cáo là không hữu hiệu. Bởi vậy, cần thiết phải ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng một cơ sở dữ liệu về lực lượng hướng dẫn viên quốc tế, cài đặt trên mạng Intemet, th­ường xuyên được cập nhật dữ liệu mới có thể đáp ứng được nhu cầu quản lý, đào tạo và khai thác đội ngũ hướng dẫn viên này.

Với chức năng là cơ quan tham m­ưu cho lãnh đạo Tổng cục trong công tác đào tạo và quản lý hướng dẫn viên, Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Trung tâm Tin học và các cơ quan, đơn vị trong Tổng cục, triển khai đề tài “Nghiên cúu xây dựng cơ sở dữ liệu động về hướng dẫn viên du lịch quốc tế của Việt Nam". Đây chính là lý do nghiên cứu của đề tài.

Mục tiêu đề tài:

Mục tiêu lâu dài:

§     Quản lý được hệ thống hướng dẫn viên quốc tế của Việt Nam về vĩ mô và vi mô của cơ quan quản lý du lịch ở cấp trung ương và cấp tỉnh.

§     Cập nhật thông tin về đội ngũ hướng dẫn viên du lịch quốc tế phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng.

§     Hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch khai thác đội ngũ hướng dẫn viên du lịch quốc tế của Việt Nam.

Mục tiêu trước mắt:

§     Xây dựng hệ thống phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu hướng dẫn viên du lịch Việt Nam.

§     Thiết kế và cài đặt Website hướng dẫn viên Việt Nam, phục vụ cho công tác quản lý và khai thác đội ngũ hướng dẫn viên quốc tế.

§     Thử nghiệm hệ thống trên với số liệu thật về hướng dẫn viên của 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Quảng Ninh.

Phương pháp nghiên cứu:

- Phương pháp phân tích tổng hợp và phân tích hệ thống

- Phương pháp điều tra, phỏng vấn và thu thập thông tin

- Phương pháp thống kê du lịch

- Phương pháp dự báo và ph­ương pháp chuyên gia

Nội dung đề tài:

Hệ thống lại cơ sở lý luận về nghề nghiệp hướng dẫn du lịch, vai trò của hướng dẫn viên (HDV) và công tác quản lý HDV.

Phân tích và xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu HDV du lịch Việt Nam. Thiết kế phiếu thu thập thông tin và các biểu tổng hợp.

Xây dựng cơ sở dữ liệu động về HDV quốc tế của Việt Nam, xây dựng chương trình quản lý và cập nhật thông tin HDV du lịch Việt Nam.

Xây dựng và thiết kế Website “Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam”. Thử nghiệm hệ thống và phân tích kết quả thử nghiệm tại 4 địa phương Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Quảng Ninh, tài liệu hướng dẫn sử dụng hệ thống.

Kết quả đề tài:

Về khoa học và công nghệ:

§     Bước đầu xây dựng phần mềm ứng dụng quản lý cơ sở dữ liệu HDV du lịch Việt Nam, chạy trên nền web, có thể triển khai trên các mạng LAN, WAN, INTERNET. Hệ thống cơ sở dữ liệu động quản lý HDV với lượng thông tin lớn và luôn thay đổi, có thể mở rộng và kết nối với những hệ thống khác.

Về ứng dụng vào thực tiễn:

§     Cung cấp thông tin về đội ngũ HDV du lịch được cấp thẻ trên toàn quốc.

§     Cập nhật một cách nhanh chóng các thông tin mới về đội ngũ HDV.

§     Tổng hợp số liệu cần thiết về đội ngũ HDV theo từng địa phương hoặc trên toàn quốc.

§     Phục vụ trực tiếp công tác quản lý HDV của cơ quan quản lý du lịch trung ương và cấp tỉnh. Hỗ trợ trong công tác kiểm tra, thanh tra, xây dựng các định hướng kế hoạch đào tạo phát triển đội ngũ HDV.

§     Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý của ngành du lịch.

Hiệu quả kinh tế của đề tài:

Việc xây dựng CSDL chung đã tạo ra sự liên thông về thông tin HDV, giảm chi phí và tiết kiệm thời gian giao dịch.

Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành khai thác, sử dụng HDV một cách hiệu quả.

Tạo thuận lợi cho các cơ sở đào tạo hoạch định kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ HDV, tuyển sinh thông qua Website.

Tạo điều kiện để HDV tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp.

Địa chỉ ứng dụng kết quả đề tài:

Đề tài được triển khai thử nghiệm thành công tại 4 tỉnh thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Quảng Ninh. Đề tài có thể triển khai ngay trên 60 sở Du lịch tỉnh, thành phố còn lại để có thể xây dựng trọn vẹn hệ thống HDV du lịch Việt Nam trong phạm vi cả nước. Qua các sở Du lịch, Tổng cục Du lịch có thể quản lý được đội ngũ hướng dẫn viên du lịch trong cả nước.

Những đóng góp của đề tài:

Xây dựng cơ sở dữ liệu động về HDV du lịch quốc tế của Việt Nam bao gồm xây dựng phần mềm quản lý CSDL về HDV và xây dựng chương trình quản lý HDV du lịch quốc tế của Việt Nam là một vấn đề rất mới trong hoạt động quản lý Nhà nước về du lịch, đặc biệt quản lý và phát triển đội ngũ hướng dẫn viên, nguồn nhân lực quan trọng của ngành du lịch. Đề tài có tính khả thi và thực tiễn cao. Khi ứng dụng vào thực tế, phần mềm này sẽ cung cấp thông tin về đội ngũ hướng dẫn viên du lịch Việt Nam trên Internet, hỗ trợ cho công tác thống kê, đồng thời là công cụ quản lý hữu hiệu cho các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch ở cấp trung ương và địa phương. Trên cơ sở đó, các nhà quản lý du lịch có thể dự đoán, hoạch định chính sách phát triển nguồn nhân lực du lịch, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên, xây dựng chiến lược và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn.

 

Ghi chú:

Đơn vị chủ trì:

 

Trung tâm Tin học (Trung tâm Thông tin du lịch)

 



 
 
Nhiệm vụ khoa học công nghệ 2008
  Đơn vị thực hiện: Trung tâm Thông tin du lịch
Bản quyền: Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam
Lưu hành nội bộ