Người sử dụng:
 
  Thoát

Tên đề tài  
Nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo liên thông giữa trung học và cao đẳng trong hai chuyên ngành quản trị kinh doanh khách sạn và hướng dẫn viên du lịch
Đơn vị chủ trì Trường CĐ Du lịch Hà Nội
Năm thực hiện 2004
Chủ nhiệm đề tài PGS.TS. Trịnh Xuân Dũng

Tóm tắt nội dung

Tính cấp thiết của đề tài:

            Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã xác định "đưa ngành du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước". Trong điều kiện và hoàn cảnh thực tế của đất nước ta hiện nay, vấn đề đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ du lịch đóng một vai trò hết sức quan trọng. Các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch và khách sạn đã tổng kết rằng "việc xây dựng được khách sạn 5 sao không khó, nhưng nếu con người không đủ tầm và trình độ để phục vụ trong khách sạn 5 sao thì sau 1-2 năm khách sạn sẽ trở thành 1-2 sao". Trong lĩnh vực dịch vụ, con người phục vụ mang tính chất quyết định việc làm hài lòng hay không hài lòng khách, cho dù cơ sở vật chất kỹ thuật còn yếu kém, nh­ưng thái độ phục vụ nhiệt tình, tận tình với khách, có nghiệp vụ chuyên môn cao chắc chắn khách sẽ hài lòng. Để có người phục vụ như­ vậy đòi hỏi phải đào tạo và bồi dưỡng họ trên những tiêu chuẩn sau: trình độ chuyên môn (kỹ năng nghề nghiệp), năng lực giao tiếp, ý thức tổ chức kỷ luật và khả năng ngoại ngữ. Đặc biệt đối với những người làm quản lý trực tiếp trong các bộ phận của quá trình phục vụ khách du lịch. Những người này không chỉ cần có những tiêu chuẩn nh­ư những người phục vụ mà cần phải có những kiến thức về quản lý và điều hành cụ thể.

Từ năm 1990 trở lại đây, nhu cầu về nguồn nhân lực trong ngành du lịch tăng lên rất lớn, ngoài việc các trường mở ra đào tạo ở hệ nghề, còn đào tạo ở hệ trung học chuyên nghiệp và ở bậc đại học. Thực tế, nhu cầu về đào tạo cao đẳng rất lớn không chỉ đối với các doanh nghiệp sử dụng lao động mà cả đối với người học. Mặt khác, ngành giáo dục đào tạo đã có chủ trương về đào tạo liên thông dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học (theo Quyết định Số 49/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 5/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhằm mục đích từng bước hội nhập với khu vực và quốc tế.

Xuất phát từ nhu cầu cấp bách của thực tế trên, đề tài: "Nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo liên thông giữa trung học chuyên nghiệp và cao đẳng trong hai chuyên ngành quản trị kinh doanh khách sạn và hướng dẫn viên du lịch" đã được tác giả nghiên cứu, nhằm mục đích không ngừng nâng cao và phát triển nguồn nhân lực trong ngành du lịch để đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi từ thực tiễn, đây cũng là lý do nghiên cứu của đề tài.

Mục tiêu đề tài:

Xây dựng 02 chương trình đào tạo liên thông:

§     Từ hệ Nghề Du lịch lên hệ Trung học nghiệp vụ Du lịch

§     Từ hệ Trung học nghiệp vụ Du lịch lên hệ Cao đẳng Du lịch

Là căn cứ để tiếp tục xây dựng các chương trình đào tạo liên thông khác trong Nhà trường.

Xây dựng được một hệ thống chương trình đào tạo có tính hệ thống, logic, và có tính kết nối, liên kết giữa các bậc đào tạo, từ Nghề lên Đại học.

Áp dụng cho công tác đào tạo liên thông từ năm học 2004 - 2005 trong Nhà trường.

Phương pháp nghiên cứu:

-    Phương pháp tiếp cận hệ thống.

-    Phương pháp thống kê, phân tích và tổng hợp.

-    Phương pháp chuyên gia.

Nội dung đề tài:

Sau một năm triển khai nghiên cứu đã đạt được những kết quả như sau:

§     Nghiên cứu cơ sở lý luận về đào tạo liên thông, chương trình đào tạo liên thông

§     Nghiên cứu kinh nghiệm đào tạo liên thông tại một số Quốc gia trong khu vực và trên thế giới và trong lĩnh vực chuyên ngành du lịch.

§     Đề xuất một số mô hình đào tạo liên thông tại Việt Nam

§     Nghiên cứu biên soạn thành công 02 chương trình đào tạo liên thông như sau:

­       Chương trình đào tạo liên thông du lịch từ hệ Nghề lên hệ Trung cấp nghiệp vụ Du lịch.

­       Chương trình đào tạo liên thông từ hệ Trung cấp Nghiệp vụ du lịch lên Cao đẳng Du lịch.

Nội dung bao gồm những vấn đề cơ bản sau:

§     Phần 1: Cơ sở lý luận, khoa học về đào tạo liên thông và chương trình đào tạo liên thông. Những mô hình thực tiễn và kinh nghiệm đào tạo liên thông trên thế giới và Việt Nam

§     Phần 2: Chương trình đào tạo liên thông từ hệ nghề lên Trung cấp du lịch; Chương trình đào tạo liên thông từ trung cấp lên Cao đẳng du lịch

§     Phần 3: Các giải pháp để thực hiện chương trình đào tạo liên thông, định hướng và các đề xuất kiến nghị.

Nội dung nghiên cứu đạt được các yếu tố cơ bản như: tính logic và các chuẩn mực theo yêu cầu của Chương trình khung (Bộ GD-ĐT) đã ban hành; có tính hệ thống, kế thừa và có tính liên kết chặt chẽ giữa 3 hệ.

Kết quả đề tài:

Sản phẩm của đề tài là 02 chương trình đào tạo cụ thể và có thể áp dụng ngay vào thực tiễn đào tạo trong Nhà trường và được Bộ GD-ĐT đồng ý cho triển khai đào tạo liên thông.

Chương trình đào tạo liên thông từ Trung học Du lịch lên Cao đẳng Du lịch đã được áp dụng ngay từ năm học 2004 - 2005 và đến nay đã triển khai được 2 khoá.

Đề tài hoàn thành đã góp phần mở rộng phạm vi đào tạo cho Nhà trường, góp phần giúp học sinh, sinh viên có điều kiện học nâng cao hơn;

Không chỉ các học sinh đào tạo tại Nhà trường tham gia chương trình liên thông mà rất nhiều học sinh trung học từ các trường đào tạo dân lập, các trường trung cấp nghiệp vụ cũng đã biết thông tin và tham gia ngay từ khóa học đầu tiên.



 
 
Nhiệm vụ khoa học công nghệ 2008
  Đơn vị thực hiện: Trung tâm Thông tin du lịch
Bản quyền: Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam
Lưu hành nội bộ